Ngày 26/5, giới chức y tế và các nhà khoa học Mỹ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc siêu vi khuẩn kháng tất cả mọi loại kháng sinh, đồng thời cảnh báo về nguy cơ đối diện với đại dịch bệnh nhiễm trùng không thuốc chữa.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Vi trùng học và Vi sinh học của Mỹ, các chuyên gia y tế cho biết đã phát hiện một loại siêu vi khuẩn E.coli có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh trong mẫu nước tiểu của một nữ bệnh nhân 49 tuổi sống tại bang Pennsylvania.
Loại siêu vi khuẩn này mang đột biến gen MCR-1 hay plasmid, khiến nó có khả năng kháng cả Colistin - một loại kháng sinh được xem là “của để dành cuối cùng” trong việc điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, nghiên cứu không cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh nhân trên mà chỉ cho biết bà này chưa ra khỏi nước Mỹ trong vòng 5 tháng qua, và do đó không thể bị nhiễm siêu vi khuẩn này từ bên ngoài.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden cảnh báo “chúng ta đang có nguy cơ sống trong một thế giới hậu kháng sinh” khi đã xuất hiện bệnh nhiễm trùng đề kháng cả kháng sinh Colistin, vốn được dùng để điều trị “loại vi khuẩn nguy hiểm nhất.”
Theo ông Frieden, “kho thuốc hiện nay đã không còn có tác dụng đối với một số bệnh nhân,” và thời đại hoàng kim của kháng sinh “sẽ đi đến hồi kết nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ.”
Do đó, ông kêu gọi các nhà khoa học cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để phát triển và sớm điều chế các loại kháng sinh mới để có thể bảo vệ thế hệ hiện tại và tương lai.
Trước đó, loại siêu vi khuẩn mang gen MCR-1 có khả năng kháng dược phẩm Colistin này cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc và châu Âu.
Colistin là dòng kháng sinh thế hệ cũ, được đưa vào sử dụng từ năm 1950 để điều trị các bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn E.coli, Salmonella và Acinetobacter gây ra.
Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, Colistin đã bị cấm sử dụng trên người do tác dụng phụ gây nhiễm độc ở thận, song vẫn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Các nhà khoa học từng cảnh báo người ăn thịt chứa vi khuẩn “nhờn thuốc” cũng có nguy cơ cao bị nhiễm chính vi khuẩn này.
Theo thống kê, riêng tại Mỹ, tình trạng kháng kháng sinh đã khiến ít nhất 2 triệu người mắc bệnh và 23.000 người tử vong mỗi năm.
Việc các bác sỹvà bệnh nhân lạm dụng kháng sinh cũng như việc sử dụng tràn lan loại dược phẩm này trong chăn nuôi đang trở thành một vấn đề nhức nhối, góp phần tạo nên cuộc “khủng hoảng kháng kháng sinh” hiện nay.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần hạn chế sử dụng kháng sinh nếu không cần thiết, đồng thời nhấn mạnh cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng như tiêu thụ các thực phẩm hợp vệ sinh./.