Đại dịch HIV đang là vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ sức khoẻ, tính mạng của con người mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tính đến thời điểm năm 2013, thế giới có khoảng 35,3 triệu người nhiễm HIV đang còn sống và mỗi năm vẫn có hơn 2 triệu người nhiễm mới HIV và cũng có gần 2 triệu người tử vong do AIDS mỗi năm.

Tại Việt Nam đến cuối tháng 6/2015 cả nước có khoảng 227.000 người nhiễm HIV còn sống và có gần 75.000 người đã tử vong do AIDS được báo cáo.

Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế Cộng đồng quận 8, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phưong Vy/TTXVN)
Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế Cộng đồng quận 8,
thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phưong Vy/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Y tế, HIV/AIDS vẫn nằm trong năm nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Mặc dù số người nhiễm mới HIV hàng năm đã giảm nhưng mỗi năm vẫn còn khoảng 12 ngàn người nhiễm mới HIV được phát hiện.

Người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động và nữ giới ở độ tuổi sinh đẻ, do vậy tác động rất lớn đến sức khỏe, kinh tế, trật tự an ninh xã hội và tương lai của quốc gia.

Thuốc kháng virus - cơ hội kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam

Tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS phụ thuộc chủ yếu vào sự “cân bằng” giữa sức đề kháng của cơ thể và nồng độ HIV trong máu. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi hoàn toàn HIV, tuy nhiên việc ra đời của thuốc kháng virus (ARV) trong hai chục năm qua đã được coi là “cứu tinh,” là cơ hội sống khỏe mạnh cho người nhiễm HIV cũng như công tác phòng, chống HIV/AIDS của mỗi quốc gia.

Điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi như là điều trị đặc hiệu bởi vì điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.

Ngay cả khi người nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS, hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn được phục hồi trở lại, làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.

Tổ chức Y tế Thế giới đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ không thua kém người không nhiễm HIV. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.

Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát, do vậy giảm các chi phí do nằm viện và chăm sóc y tế cho bản thân người nhiễm HIV và gia đình, xã hội.

Do điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, nên làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang vợ/chồng hoặc bạn tình của họ và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Với lợi ích to lớn của thuốc ARV nên Thế giới cũng như Việt Nam đã liên tục mở rộng việc tiếp cận điều trị sớm cho người nhiễm HIV để tránh nguy cơ tử vong và bệnh tật cho người nhiễm HIV, dự phòng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Việc tiếp cận sớm và tuân thủ điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS và năm 2030 nghĩa là khi đó HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình và người dân.

Dịch HIV kháng thuốc ở Việt Nam có nguy cơ bùng phát nếu thiếu thuốc ARV

Mặc dù thuốc ARV có nhiều lợi ích, tuy nhiên để đạt được hiệu quả thì nguyên tắc điều trị bằng thuốc ARV là liên tục suốt đời. Vì nếu không uống thuốc đều đặn và liên tục, nồng độ thuốc trong máu có thể không đủ để ức chế số lượng virus trong máu.

Đây là cơ hội cho virus nhân lên tạo ra đột biến làm cho virus kháng thuốc và thuốc ARV đang dùng không còn tác dụng như mong muốn, khi đó thuốc không thể tấn công ức chế được virus. Khi HIV đã kháng với một thuốc nào đó, thì thuốc đó không còn hiệu quả và bạn phải chuyển sang dùng thuốc khác. Lúc này virus đã kháng thuốc, các virus kháng thuốc sẽ sinh sản ra nhiều bản sao virus kháng thuốc khác.

Điều nguy hiểm nhất khi HIV kháng thuốc ở hai khía cạnh: Thứ nhất với cá nhân người nhiễm HIV khi thuốc ARV mất tác dụng trong việc kiểm soát số lượng virus trong máu ở mức thấp và người nhiễm HIV sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong nếu không được điều trị bằng các loại thuốc ARV mới khác tức những phác đồ bậc cao hơn, nếu điều trị bằng các thuốc với phác đồ bậc cao hơn sẽ đắt hơn các thuốc hiện tại từ 5 đến 10 lần và hầu hết người nhiễm HIV là người nghèo nên chắc chắn không có khả năng chi trả.

Thứ hai là khía cạnh xã hội, nhà nước cũng phải chi số tiền lớn gấp nhiều lần nếu mua thuốc để chi trả cho người nhiễm HIV gây tốn kém về kinh tế. HIV kháng thuốc lan tràn và khi đó dịch HIV trở nên bùng phát không thể kiểm soát được.

Trong thời gian qua, 95% lượng thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV đến từ khoản tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế. Hiện nay nguồn tài trợ này đang rút đi và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2017.

Ngay từ bây giờ nếu các cơ quan chức năng không có các giải pháp hữu hiệu để bù đắp sự thiếu hụt về thuốc ARV thì người nhiễm HIV sẽ không thể được điều trị hoặc không được điều trị liên tục, suốt đời. Nguy cơ bùng phát dịch HIV kháng thuốc ở Việt Nam là một viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.