Mới đây, Bệnh viện Chữ thập đỏ ở Bremen, Đức đã báo cáo một trường hợp người đàn ông 63 tuổi tử vong vì suy đa nội tạng và nhiễm trùng máu. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh hiếm gặp mà ông ấy mắc phải: chính là những cái liếm yêu của loài chó.
Các bác sĩ nghĩ rằng họ phải báo cáo trường hợp này để cảnh báo tới những người nuôi thú cưng, các bác sĩ cũng như bất kể bệnh nhân nào quan sát thấy các triệu chứng tương tự với bản thân mình.
Người đàn ông Đức tử vong sau khi bị chó liếm, các bác sĩ cảnh báo căn bệnh nhiễm trùng hiếm gặp
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí European Journal of Case Report in Internal, người đàn ông ở Đức đã đến bệnh viện sau ba ngày xuất hiện các triệu chứng.
Ban đầu, ông ấy bị sốt cao, khó thở có vẻ như cảm cúm. Nhưng hai ngày sau, các triệu chứng trở nặng. Một vết ban đỏ nổi lên trên mặt, và ông bị đau dây thần kinh cũng như nhức cơ bắp ở chi dưới. Các xét nghiệm kỹ hơn cho thấy hiện tượng chảy máu dưới da chân.
Nặng nhất phải kể đến đó là các tổn thương ở thận, rối loạn chức năng gan cũng như thiếu oxy và máu tới các cơ bắp. Ông ấy bây giờ không thể tự đi tiểu.
Ở thời điểm đó, các bác sĩ đơn giản không thể phát hiện ra thứ gì đã tấn công bệnh nhân của mình. Ông ấy không bị đau đầu hay cứng cổ là những triệu chứng liên quan đến viêm màng não. Gần đây, ông ấy cũng không đi du lịch tới đâu để có thể bị nhiễm các vi khuẩn lạ.
Chẩn đoán duy nhất mà các bác sĩ có thể đưa ra được, đó là người đàn ông đã bị nhiễm trùng máu do phản ứng miễn dịch của chính cơ thể mình, và xuất huyết phát ban -một rối loạn đông máu gây ra sự đổi màu da như bạn có thể thấy ở ảnh chụp dưới đây:
Ngay sau khi chẩn đoán lâm sàng đi đến được kết luận đó, người đàn ông đã được điều trị bằng một loạt kháng sinh kết hợp, nhằm chống lại nhiều chủng vi khuẩn bao gồm Streptococci, Neisseria meningitidis, Haemophilusenza và Staphylococcus aureus.
Thật không may, các triệu chứng của ông ấy vẫn tiếp tục trở nặng - thậm chí, một lần các bác sĩ đã cứu ông ấy thoát chết. Sau đó, họ đặt nội khí quản và cho ông ấy thở máy.
Mãi đến ngày thứ tư sau khi nhập viện, các bác sĩ cuối cùng mới phân lập và xác định được thủ phạm đã quật ngã bệnh nhân của mình: một loại vi khuẩn có tên là Capnocytophaga canimorsus.
Điều ngạc nhiên, đây không phải một vi khuẩn hiếm. Trên thực tế, Capnocytophaga canimorsus bình thường vẫn sống rất ôn hòa trong nướu và miệng của vật nuôi như chó mèo trên khắp thế giới.
Rất hiếm khi chủng vi khuẩn này lây truyền sang người, nếu có thì chỉ là qua các vết chó cắn, và một ai đó không may đã mắc sẵn HIV, một bệnh suy giảm miễn dịch hay tổn thương nào đó như những người ốm yếu do nghiện rượu mới phát bệnh.
Người đàn ông 63 tuổi ở Bremen có nuôi chó nhưng không hề bị cắn. Ông ấy cũng không bị suy giảm miễn dịch hay ốm yếu. Trong những tuần trước khi mắc bệnh, chú chó nuôi chỉ liếm ông ấy. Nhưng nếu rơi vào trường hợp hiếm gặp, một cú liếm như vậy đã đủ để gây ra cái chết.
Trong những ngày tiếp theo, mặc dù các bác sĩ đã điều chỉnh phác đồ điều trị nhắm đến Capnocytophaga canimorsus, nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn ngày một tệ hơn. Nhiều cơ quan nội tạng đã mất chức năng vì bị suy, ông ấy bị viêm phổi. Và vào ngày thứ 16 sau khi nhập viện, người đàn ông qua đời vì bị sốc nhiễm trùng.
Capnocytophaga canimorsus và một bệnh nhân nhiễm nó.
Theo các tài liệu y khoa ghi lại được, Capnocytophaga canimorsusgiết chết khoảng 25% những người nhiễm nó. Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý rằng những con số này có thể không phản ánh đúng thực tế và nhiều trường hợp nhiễm Capnocytophaga canimorsuskhông bao giờ được báo cáo.
Đôi khi, nó không gây hại quá lớn, nhiễm trùng có thể đến và đi mà bệnh nhân không nhận ra bất cứ biểu hiện nào khác ngoài các triệu chứng như cảm cúm.
Tuy nhiên, trường hợp về bệnh nhân người Đức ở Bremen đã cho thấy nhiễm trùng Capnocytophaga canimorsusdo chó mèo vẫn có những ngoại lệ. Cả bệnh nhân và các bác sĩ cần phải biết điều này.
Nếu bạn đang nuôi thú cưng, rồi một ngày các triệu chứng giống cúm vượt quá xa khỏi một đợt cảm lạnh thông thường. Nếu bạn thấy khó thở nặng và phát ban đỏ do vỡ mạch máu, hãy khẩn trương đến bệnh viện và nói cho các bác sĩ biết.
"Các bác sĩ khi gặp những bệnh nhân có các triệu chứng như vậy nên hỏi xem họ có tiếp xúc với chó và mèo không. Bác sĩ nên cân nhắc về việc nhiễm C. canimorsus khi các vết ban xuất hiện dù bệnh nhân không có vết cắn hoặc vết trầy xước do động vật gây ra, hay bất kỳ tình trạng suy giảm miễn dịch nào”, nghiên cứu viết.
"Trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ lâm sàng nên khẩn trương bắt đầu điều trị theo kinh nghiệm bằng penicillin kết hợp với thuốc ức chế beta-lactam cho đến khi có chẩn đoán chính xác".
Nghiên cứu trường hợp này đã được báo cáo trên Tạp chí Báo cáo trường hợp Châu Âu về Nội khoa.
Tham khảo Sciencealert