Nhiều người bị rắn cắn không đến bệnh viện nên họ không được ghi nhận chính thức. Ngộ độc rắn cắn cũng không nhận được sự chú ý tương xứng vì đây là “bệnh của người nghèo”.
Hằng năm, rắn cắn lấy đi của người dân Ấn Độ 3 triệu năm sức khỏe và năng suất. Con số này, được báo cáo tại một cuộc họp vào tháng trước của Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Hoa Kỳ (ASTMH), là ước tính đầu tiên về thiệt hại do rắn cắn với những người sống sót nhưng rơi vào các tình trạng tàn tật như cụt, bệnh thận và sẹo nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động.
Số liệu mới cũng xác nhận rằng hơn một nửa số ca tử vong do rắn cắn trên thế giới xảy ra ở Ấn Độ - cho thấy nước này cần phải đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa.
"Chúng ta không nghiên cứu nhiều và không hiểu về rắn cắn như nhiều bệnh nhiệt đới khác," Nick Roberts, người thuộc nhóm ở Viện Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington (IHME), Seattle, dã tính toán ra con số nêu trên, cho biết.
Căn bệnh ít được công nhận
Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi ngộ độc do rắn cắn là một căn bệnh nhiệt đới bị bỏ quên, và năm ngoái WHO đã đưa ra một sáng kiến toàn cầu nhằm giảm một nửa số ca tử vong và tàn tật do rắn cắn gây ra vào năm 2030.
Sáng kiến này nhấn mạnh rằng cần có nhiều dữ liệu hơn về rắn cắn, Prabhat Jha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Toronto, Canada, cho biết. “Nếu mục tiêu là giảm một nửa số ca tử vong do rắn cắn, thì bạn cần biết số liệu hiện đang là bao nhiêu.”
Nhiều người bị rắn cắn không đến bệnh viện nên họ không được ghi nhận chính thức. Ngộ độc do rắn cắn cũng không nhận được sự chú ý tương xứng vì đây là “bệnh của người nghèo”, theo Kempaiah Kemparaju, nhà hóa sinh tại Đại học Mysore, Ấn Độ, người nghiên cứu nọc rắn.
Nhóm có nguy cơ bị rắn cắn đặc biệt cao là những người nông dân làm việc trên cánh đồng. Trong ảnh là rắn hổ mang chúa (Daboia russelii).
Priyanka Kadam, chủ tịch và là người sáng lập Hiệp hội Giáo dục và Chữa bệnh do rắn cắn, giải thích rằng hệ quả do rắn cắn gây ra thiệt hại lớn cho Ấn Độ một phần vì tiểu lục địa này là nơi sinh sống của rất nhiều loại rắn khác nhau: 60 trong số gần 300 loài rắn ở nước này có nọc độc mạnh. Những người bị cắn ở những vùng xa xôi của đất nước lại không được điều trị, vì họ phải đi vài giờ đồng hồ mới đến được phòng khám gần nhất. Ngay cả khi họ đến được, thì các phòng khám không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc chống nọc độc và nếu có, thì thuốc có thể không được bảo quản đúng cách hoặc không còn đủ chất lượng.
Một bức tranh rõ ràng hơn
Trên thực tế, số người ngộ độc do rắn cắn được điều trị tại bệnh viện là rất ít, nên rất khó thu thập dữ liệu cụ thể về tác động của rắn cắn. Trước đây, ước tính toàn cầu về số ca tử vong do rắn cắn dao động từ 50.000 đến 125.000; riêng ở Ấn Độ, con số này dao động trong biên độ rất rộng - từ 11.000 đến 50.000 ca/năm.
Năm 2011, Jha và các đồng nghiệp cố gắng đưa ra các ước tính chính xác hơn về số ca tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ. Trên cơ sở thông tin do gia đình và bác sĩ cung cấp, Jha tính toán rằng mỗi năm Ấn Độ có khoảng 45.900 trường hợp tử vong do rắn cắn. Số liệu mới này buộc các cơ quan về sức khỏe trên toàn thế giới phải điều chỉnh con số. Ngày nay, WHO ghi nhận khoảng 81.000 đến 138.000 ca tử vong do rắn cắn hằng năm trên toàn cầu.
Phân tích mới của IHME tiếp tục cung cấp thông tin định lượng đầu tiên về tác động lâu dài đối với những người sống sót sau khi bị rắn cắn. Kadam cho biết những ước tính như vậy rất quan trọng, vì nó cho thấy chi phí chăm sóc sức khỏe và các gánh nặng xã hội khác.
Phân tích IHME cũng xác nhận lại ước tính của Jha trước đây về số người chết vì rắn cắn; IHME phát hiện ra rằng khoảng 52.000 người đã chết vì rắn cắn ở Ấn Độ vào năm ngoái. Tuy nhiên, IHME sử dụng một nguồn dữ liệu khác với Jha: nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) năm 2019. Bộ dữ liệu này, cũng được WHO sử dụng, cung cấp ước tính về bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới do 369 bệnh và thương tích, bằng cách sử dụng số liệu thống kê chính thức và báo cáo khám nghiệm tử thi bằng lời nói, cho phép Roberts và các nhà khoa học khác so sánh gánh nặng do rắn cắn giữa các quốc gia.
Roberts bình luận, bất kể theo ước tính của Jha hay IHME, mục tiêu của WHO là giảm một nửa số ca tử vong và tàn tật do rắn cắn vào năm 2030 là "đầy tham vọng". "Chúng ta đang không trên đà đáp ứng được mục tiêu này," Roberts nói và cho biết thêm rằng số ca tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ mới chỉ giảm nhẹ trong cả thập kỷ qua. Jha cũng xác nhận xu hướng này trong một nghiên cứu gần đây.
Nguồn: