Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu của hơn 1 triệu người cho thấy tốc độ xử lý của não hầu như không đổi cho đến năm 60 tuổi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior, đã sử dụng dữ liệu từ 1.185.882 người tham gia, từ 10 đến 80 tuổi, trong Dự án Implicit của Harvard, một công cụ trực tuyến được sử dụng để thu thập dữ liệu và giáo dục chống lại các thành kiến về giới tính, chủng tộc và các đặc điểm khác.
Hình minh họa. Nguồn: Hero Images/Getty Images
Những người tham gia được yêu cầu sắp xếp các từ thành các danh mục tích cực và tiêu cực, đồng thời gán hình ảnh cho các danh mục chủng tộc. Mục đích ban đầu của bài kiểm tra này là để đo xem một người có thành kiến đánh giá chủng tộc đến mức độ nào. Nhưng nghiên cứu mới chỉ sử dụng kết quả bài kiểm tra này để phân tích tuổi của những người tham gia, thời gian phản ứng và độ chính xác của họ.
Dữ liệu cho thấy thời gian trung bình để đưa ra câu trả lời chính xác là ngắn nhất ở nhóm 20 tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng số liệu này cũng phản ánh mức độ thận trọng của một người trong quá trình đưa ra câu trả lời, và cả tốc độ vận động cơ bản của họ.
Bằng cách sử dụng học máy, các nhà nghiên cứu trích xuất thêm thông tin về hai yếu tố ẩn này từ các mẫu trong dữ liệu. Ví dụ: nếu ai đó có xu hướng trả lời chậm, bất kể câu hỏi khó hay dễ, điều này cho thấy rằng họ có tốc độ vận động chậm, và mô hình sẽ phát hiện ra yếu tổ ẩn này.
Kết quả cho thấy thanh niên 20 tuổi có tốc độ trả lời nhanh nhất vì họ sẵn sàng đánh đổi độ chính xác để lấy tốc độ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng khả năng vận động cơ học (tốc độ một người xem câu hỏi và gõ bàn phím) là nhanh nhất ở những người từ 14-16 tuổi. Tốc độ xử lý thông tin dường như đạt đỉnh vào khoảng 30 tuổi và chỉ giảm rất nhẹ trong khoảng từ 30 đến 60 tuổi. Những người tham gia lớn tuổi cũng ít mắc lỗi hơn.
Tiến sĩ Joshua Hartshorne, nhà tâm lý học tại Đại học Boston, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết phương pháp học máy được sử dụng rất ấn tượng và sẽ khiến các nhà tâm lý học xem xét lại một số phát hiện trước đó chỉ dựa trên thời gian phản hồi, mà không tính đến khả năng vận động cơ học hay sự đánh đổi giữa tốc độ trả lời và độ chính xác. “Kết quả này cho thấy cách các khả năng xử lý thông tin thay đổi trong suốt cuộc đời là rất phức tạp và chúng ta vẫn chưa hiểu rõ,” ông nói. “Nhưng chắc chắn không phải là khả năng xử lý thông tin đạt đỉnh ở tuổi 20 và xuống dốc từ đó.”
Von Krause cho biết công trình này đưa ra gợi ý rằng mọi người có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ có tính chất khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của họ. “Rõ ràng, có những nhiệm vụ trong đời thực mà điều quan trọng là phải tránh sai lầm, chẳng hạn như chẩn đoán y tế, trong khi trong những nhiệm vụ khác, chẳng hạn như tránh chướng ngại vật trên đường, tốc độ là quan trọng hơn,” Von Krause nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, trong một mức độ nhất định, mọi người cũng có khả năng điều chỉnh cách ra quyết định của họ cho phù hợp với yêu cầu của tình huống.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/feb/17/brains-do-not-slow-down-until-after-age-of-60-study-finds