Số người hút thuốc lá điện tử trên toàn thế giới đã nhảy vọt nhưng sự cảnh giác đối với những tác hại của nó cũng đang gia tăng và thiết bị này đã bị cấm ở một số nơi
Lịch sử hình thành
Thiết kế ban đầu cho thuốc lá điện tử (e-cigarette) đã được Herbert A. Gilbert tạo ra đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1963, nhưng phải đến đầu những năm 2000, phiên bản thương mại của dược sĩ người Trung Quốc tên Hon Lik mới khiến thuốc lá điện tử trở nên phổ biến.
Hon Lik đã lấy bằng sáng chế từ năm 2003-2005 ở Trung Quốc, Mỹ và EU, nhưng các thiết bị của ông sẽ sớm bị vượt mặt khi thị trường quốc tế bùng nổ.
Cách thức hoạt động
Thuốc lá điện tử gồm một cục pin cung cấp điện cho một cuộn dây làm nóng chất lỏng chứa nicotine, propylene glycol và glycerin thực vật. Những thành phần này khi bị đun nóng sẽ chuyển thành dạng hơi nhìn giống khói thuốc lá.
Thuốc dạng lỏng (e-Juice) cũng có thể chứa hương liệu hay phụ gia khác như chất gây nghiện tác động thần kinh THC thường có trong cần sa.
Phần lớn thuốc lá điện tử hoạt động bằng cơ chế hít (draw-activated). Chúng không tạo khí CO hay Tar (hắc ín) - hai yếu tố độc hại nhất của thuốc lá liên quan đến bệnh ung thư và tim mạch.
Tác động đến sức khỏe
Thuốc lá điện tử ban đầu được quảng cáo ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống (Tobacco) thường gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm.
Năm 2015, các quan chức y tế công cộng ở Anh cho biết ước tính độc hại của nó ít hơn 95% so với thuốc lá thông thường. Cùng năm đó, Học viện Y khoa Pháp cho biết: "Ngay cả khi rất khó để định lượng chính xác độc tính lâu dài của thuốc lá điện tử, vẫn có những bằng chứng cho thấy nó thấp hơn đáng kể so với của thuốc lá truyền thống."
Tuy nhiên những mối lo ngại đã tăng lên trong khoảng thời gian gần đây.
Vào tháng 10/2019, các quan chức y tế Hoa Kỳ đã báo cáo 18 trường hợp tử vong liên quan đến hút thuốc điện tử (vaping) và hơn 1.000 trường hợp tổn hại sức khỏe từ tháng 3 nhưng chưa rõ nguyên nhân. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ vào tháng 9/2019 cho biết rất nhiều trường hợp trong đó liên quan đến dùng cần sa chợ đen.
Vào tháng 7/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng các thiết bị hút thuốc điện tử "chắc chắn có hại và phải đặt ra quy định cho chúng".
Một lo lắng khác là mùi thơm của chúng đặc biệt hấp dẫn đối với thanh thiếu niên, khiến việc hút thuốc dễ trở thành thói quen.
Tốc độ tăng vượt bậc
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, số người hút thuốc lá điện tử trên toàn thế giới đã nhảy vọt từ 7 triệu trong năm 2011 lên 41 triệu vào năm 2018.
Để so sánh, WHO cho biết năm 2016 cả thể giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá truyền thống, gấp khoảng 27 lần số người hút thuốc lá điện tử.
Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc là những thị trường lớn nhất cho thuốc lá điện tử. Số lượng thanh thiếu niên hút thuốc điện tử đang tăng lên chóng mặt.
Thống kê của Hoa Kỳ cho biết năm 2018, cứ 5 học sinh trung học thì có 1 người từng hút thuốc lá điện tử. Tỷ lệ này đã tăng lên 1:4 trong tháng vừa qua.
Các quy định giới hạn
Vào tháng 9/2019, Ấn Độ đã trở thành quốc gia mới nhất cấm nhập khẩu, bán, sản xuất và quảng cáo thuốc lá điện tử, với lý do quan ngại sâu sắc đến giới trẻ. Các thiết bị này đã bị cấm hoàn toàn ở một số nơi như Brazil, Singapore, Thái Lan...
Nhưng pháp chế ở nhiều nhiều nơi không nhất quán như vậy.
Phần lớn các quốc gia ở Châu Âu đều cho phép sử dụng thuốc lá điện tử mặc dù thuế suất rất cao. Ở châu Á, một số nước Nhật Bản, Hồng Kông cho phép một phần nếu dung dịch hút không chứa nicotine.
Một số nước như Malaysia, Mỹ, Trung Quốc... quy định của mỗi tiểu bang, vùng miền sẽ khác nhau. Điển hình tháng 6/2019, San Francisco trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ ngăn cấm hiệu quả việc bán và sản xuất thuốc lá điện tử. Tháng 9/2019, theo sau Michigan, New York chỉ cấm các loại thuốc lá điện tử có hương vị.
Gần đây, WHO ước tính Việt Nam có thể có tới 18 triệu người hút thuốc lá các loại vào năm 2025.
Theo công bố kết quả điều tra năm 2015 của WHO, cả nước có khoảng 0,2% số người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá điện tử.
Quy định chỉ cho phép Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) nhập khẩu thuốc lá điện tử; tuy nhiên các loại thuốc lá điện tử, thiết bị hút, tinh dầu... vẫn xuất hiện chủ yếu bất hợp pháp trên thị trường. Các quy định về thuốc lá điện tử hiện còn nhiều lỗ hổng như chưa có quy chuẩn kĩ thuật.
|