Mùa mưa là lúc bệnh đau mắt đỏ dễ phát triển thành dịch trong cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đau mắt đỏ là bệnh gì?

Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, xảy ra do nhiễm trùng (do virus hoặc vi khuẩn), viêm hoặc dị ứng. Bệnh rất dễ lây, chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bị nhiễm virus, đồ vật bị nhiễm virus hoặc đường hô hấp.


Đặc biệt khi bước vào mùa mưa, thời tiết chuyển mùa (nhiệt độ, độ ẩm không khí…) phù hợp cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, tạo điều kiện lây lay nhanh chóng và phát tán gây thành dịch bệnh trong cộng đồng.


Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ

Ghèn vàng - một trong những triệu chứng của đau mắt đỏ
Ghèn vàng - một trong những triệu chứng của đau mắt đỏ.

Thông thường ban đầu người bệnh chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt. Chẩn đoán viêm kết mạc cấp thường dễ nhận thấy khi có các triệu chứng như trên. Trong viêm kết mạc cấp thị lực của người bệnh không giảm trừ khi có biến chứng viêm giác mạc. Ở thể nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ:

- Chảy nhiều nước mắt.

- Mẩn đỏ, ngứa và sưng mắt.

- Đau liên tục trong mắt (cảm giác cộm mắt).

- Khó chịu với ánh sáng.

- Có chất dịch màu trắng rõ ràng (nếu là đau mắt do nhiễm virus hoặc dị ứng).

- Có dử mắt màu vàng và màu xanh lục từ mắt (do nhiễm khuẩn).

- Bệnh nhân đau mắt đỏ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có cát, mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua.

Hướng xử lý khi mắc bệnh và cách phòng tránh

Một khi đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ cần thực hiện các bước sơ trị và những công việc như sau:

- Không dụi mắt bằng tay.

- Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.

- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.

- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (sáng, trưa, tối).

- Lau rửa dịch dử mắt 2 lần/ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.

Để tránh mắc bệnh và ngăn chặn sự bùng phát thành dịch, mỗi người cần nâng cao kiến thức về phòng chống bệnh đau mắt đỏ, chú ý giữ gìn vệ sinh cho đôi mắt trong điều kiện sinh hoạt, làm việc hằng ngày:

- Rửa sạch mắt. Sau khi đi ngoài đường bị mưa, tốt nhất bạn nên rửa mắt với nước sạch hoặc nước muối sinh lý NaCl 0.9% để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào mắt, gây đau mắt đỏ.

Dụi mắt tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh vào mắt dễ dàng hơn,
Dụi mắt tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh vào mắt dễ dàng hơn.

- Tuyệt đối không dụi mắt. Đây là một trong những thói quen có hại cho mắt ai cũng mắc phải, đặc biệt là khi bạn cảm thấy cộm, ngứa mắt. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến cho vi khuẩn từ tay bạn xâm nhập vào mắt gây bệnh nhiễm trùng.

- Không dùng chung khăn. Tuyệt đối không dùng chung khăn tắm, khăn mặt, đặc biệt là đối với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng về mắt, tránh nguy cơ lây bệnh.

Cẩn thận khi sử dụng kính áp tròng.
Cẩn thận khi sử dụng kính áp tròng.

- Đối với những người dùng kính áp tròng phải vệ sinh kính áp tròng thường xuyên, không đeo kính áp tròng khi đi ngủ, đi bơi. Không nên đeo kính áp tròng khi đi trời mưa, tránh gây nhiễm trùng cho mắt.

- Sử dụng kính râm. Nếu bạn phải thường xuyên đi ngoài đường mùa mưa, hãy đeo kính để bảo vệ mắt, hạn chế bụi bẩn xâm nhập vào mắt.

- Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt. Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt về dùng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh nhiễm trùng về mắt.

- Nếu bạn cảm thấy khó chịu và đau mắt kéo dài, thậm chí là sau khi đã cố rửa sạch nhưng vẫn không đỡ hơn, hãy đến cơ sở nhãn khoa gần nhất để thăm khám.