Đỏ mặt là hiện tượng khá phổ biến ở người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sau khi uống rượu, bia. Vậy người bị đỏ mặt khi uống rượu, bia có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác không? Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Lý giải hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu, bia
Trong y học, hội chứng đỏ mặt khi uống rượu được gọi là “Asian flush” vì đa số người mắc phải là người châu Á. Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia), có đến 70% người Đài Loan (Ttrung Quốc), 30-40% người Hàn Quốc và Nhật Bản bị đỏ mặt khi uống rượu.
Không ít người bị đỏ mặt dù chỉ uống vài ly bia, rượu. Ảnh minh hoạ.
Nguyên nhân của hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu là do trong quá trình cơ thể chuyển hoá rượu sẽ sản sinh ra chất Acetaldehyde. Khi rượu được hấp thu vào cơ thể, chúng sẽ được gan chuyển hóa qua hai bước. Bước đầu tiên là biến rượu thành Acetaldehyde. Bước thứ hai là chuyển Acetaldehyde thành Acetate.
Trong đó, quá trình thứ hai cần phải có một loại men chuyển hóa là ALDH. Khi cơ thể thiếu hụt men này, Acetaldehyd sẽ tích tụ nhanh chóng gây ra các triệu chứng như đỏ mặt, nóng bừng bừng, ói mửa, nhịp tim đập nhanh…
Bên cạnh các tác dụng nhất thời đã nêu trên, Acetaldehyde còn là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư. Ở những người bị đỏ mặt khi uống rượu, bia lượng men chuyển hóa Acetaldehyde là ALDH ít hơn so với người bình thường. Thế nên, những người này chỉ cần uống vài ly là mặt đã đỏ bừng, buồn nôn…
Nguy cơ mắc bệnh đối với những người nhanh đỏ mặt
Những người uống rượu, bia nhiều có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao. Ảnh minh hoạ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi uống rượu, bia càng nhiều thì nguy cơ ung thư tăng lên theo cấp số nhân. Các loại ung thư hay gặp nhất là ung thư thực quản, ung thư gan, ưng thư ruột…
Đáng chú ý, những người nhanh bị đỏ mặt khi uống rượu, bia có nguy cơ bị ung thư cao hơn những người khác, nhất là ung thư thực quản.
Ung thư thực quản là bệnh nguy hiểm bởi vì 2/3 số bệnh nhân thường tử vong sau 5 năm điều trị. Do đó, các bác sĩ khuyên những người bị đỏ mặt khi uống rượu, chỉ nên uống 200-400 mg ethanol mỗi tuần.
Cũng theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, 70% số ca ung thư thực quản là những người không đỏ mặt khi uống rượu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do những người không đỏ mặt thường có tửu lượng cao hơn nên họ có xu hướng uống nhiều hơn so với những người nhanh đỏ mặt.
Ngoài ung thư thực quản, các bệnh ung thư khác như ruột, gan cũng đe doạ đến tính mạng của con người. Do đó, cách tốt nhất để giảm thiểu khả năng mắc bệnh là hạn chế uống rượu, bia.