Quả na (mãng cầu ta) là loại trái cây được rất nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon. Ngoài ra, na còn có tác dụng bảo vệ mắt, cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa mệt mỏi, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Cây na giống. Ảnh minh họa.
Cây na giống. Ảnh minh họa.




1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây na. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Dụng cụ trồng phải có đường kính từ 50cm trở lên và cao trên 50cm (chậu càng to cây càng phát triển mạnh).




Đất trồng

Na không quá kén đất, tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt nhất khi trồng ở đất tơi xốp, dễ thoát nước và có độ pH trung bình từ 5,5 - 6.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Na giống

Cây Na thường được trồng bằng hạt hoặc ghép. Vào giữa vụ chọn cây mẹ năng suất cao, chất lượng tốt, đã cho thu 4 - 5 vụ quả ổn định. Chọn quả mắt to, tròn đều, trọng lượng 200 - 300g/quả, để chín kỹ.

Sau khi ăn, thu lấy hạt cho vào rổ nhựa mắt nhỏ, dùng tro bếp, cát to xát bỏ hết thịt quả, đãi sạch, phơi khô giòn trong nắng nhẹ 20 - 30 độ C (không phơi vào buổi trưa nắng to). 15 - 20 ngày sau đem gieo.

Gốc ghép phải chọn những cây mẹ có những đặc tính ưu việt như: Trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển (múi dính thành một khối). Có thể ghép áp, ghép cành hay ghép mắt.

Hoa na. Ảnh minh họa.
Hoa na. Ảnh minh họa.

2. Gieo trồng

Trồng bằng hạt: Trước khi gieo ngâm hạt trong nước sạch khoảng 12 - 24 giờ, đãi sạch, ủ hạt trong cát ẩm. 15 - 20 ngày sau hạt nứt nanh, cho vào bầu nilon thủng hai đáy có kích thước 5 x 20cm để trồng. Khi trồng đặt hạt sâu từ 2 - 3cm. Xếp bầu thành luống, làm giàn che mưa to, nắng rát, sương lạnh.

Cây con 2 - 3 tháng tuổi cao 20 - 25cm, có 5 - 6 lá thật, thân mập thì đem đi trồng.

Ghép: Gốc ghép dùng cây gieo bằng hạt của nó hoặc mãng cầu xiêm, bình bát. Khi đường kính cây đạt 0,8 - 1cm có thể tiến hành ghép. Mắt ghép lấy trên cành đã rụng lá. Nếu gỗ đủ già mà lá chưa rụng thì cắt phiến lá để lại cuống, 2 tuần sau cuống sẽ rụng và có thể lấy mắt ghép.

Hố trồng cây na cần được đào rộng và sâu khoảng 50cm. Khoảng cách trồng cây na là 3 x 3m hay 3 x 4m. Có thể tiến hành trồng xen vào chỗ trống trong vườn đã có các cây ăn quả lâu năm.

Sau khi chuẩn bị cây giống, đất và dụng cụ trồng xong thì tháo bỏ lớp nilon bao rễ, trồng cây na giống vào, dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Quả na xanh. Ảnh minh họa.
Quả na xanh. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Thường xuyên tới nước giữ ẩm cho cây.

Tuỳ theo độ tuổi của cây na mà tiến hành lượng phân bón cho phù hợp, lượng phân bón cho cây na trong 1 năm là:

- Với cây từ 1 - 4 năm tuổi: 15 - 20kg phân chuồng, 0,7kg phân đạm, 0,4kg phân lân và 0,3kg kali.

- Với cây từ 5 - 8 năm tuổi: 20 - 25kg phân chuồng, 1,5kg phân đạm, 0,7kg phân lân và 0,6kg kali.

- Với cây trên 8 năm tuổi: 30 - 40kg phân chuồng, 1,7kg phân đạm, 0,8kg phân lân và 0,8kg kali.

Tiến hành bón phân vào các thời kỳ: khi cây đón hoa vào tháng 2 - 3, thời kỳ nuôi cành nuôi quả vào tháng 6 - 7, bón thúc và vun gốc vào tháng 10 - 11.

Cây na sai trĩu quả. Ảnh minh họa.
Cây na sai trĩu quả. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Na được thu làm nhiều đợt khi quả đã mở mắt và vỏ quả đã chuyển sang màu vàng xanh. Nên tiến hành hái quả còn một đoạn cuống và đợi khoảng vài ngày khi quả đã chín mềm là ăn được.