Không chỉ là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người, quả me còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống nhiễm trùng, điều trị táo bón, làm đẹp da, đặc biệt ngăn ngừa ung thư…
Cây me giống. Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng me. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng
Me là loại cây có thể phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Giống
Cây giống me thường được trồng bằng cách ghép và hạt. Cây me mọc từ hạt rất lâu cho quả và rất dễ bị biến đổi phẩm chất theo hướng xấu. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua sẵn cây giống ở các cửa hàng bán cây giống.
Hoa me. Ảnh minh họa.
2. Trồng cây
Khi mua cây giống về, xé bỏ bao nilon, đặt cây con vào hố, nén đất chặt, dùng 3 cây cọc để cố định cây con, chú ý che nắng cho cây. Trồng xong cần tưới ẩm cho cây khoảng 2 tuần đầu để cây bén rễ hồi xanh.
Cây me được trồng trong chậu. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Tưới nước mỗi ngày cho đến khi cây me ra lá non.
Sau khi trồng được khoảng 20 ngày, tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế… Cứ khoảng 1 - 2 tháng bón 1 lần cho cây. Mỗi lần bón phân kết hợp với làm cỏ. Vun xới mỗi năm từ 2 - 3 lần cho cây.
Hàng năm nên bón thêm vôi nông nghiệp xung quanh gốc cây me Thái đầu và sau mùa mưa để tiêu diệt vi khuẩn và hạ phèn cho bộ rễ cây, giúp cây hấp thu phân bón dễ dàng.
Quả me có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Me Thái thường ra hoa vào đầu mùa mưa và bắt đầu thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Lương Ngọc (Tổng hợp)