Dưa lê Kim Cô Nương là loại dưa dễ trồng, có quả hình oval, vỏ trơn, khi chín màu vàng kim, ruột màu vàng, cùi giòn, ngọt mát. Trọng lượng quả khi thu hoạch khoảng 1 - 1,5kg tùy thổ nhưỡng, dưa để càng lâu vỏ càng vàng đậm dưa càng ngọt.

Cây dưa Kim Cô Nương nhỏ. Ảnh minh họa.
Cây dưa Kim Cô Nương nhỏ. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng dưa lê Kim Cô Nương Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Dưa lê Kim Cô Nương ưa phát triển ở các loại đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Nơi đặt chậu ươm cây mầm cần có ánh sáng và không được đọng nước bên dưới. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Hạt giống

Hạt giống dưa lê Kim Cô Nương bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống. Nên tìm mua loại giống cao sản ở các cửa hàng bán đồ nông sản uy tín.

Khí hậu Việt Nam rất thích hợp để trồng dưa lê Kim Cô Nương. Ảnh minh họa.
Khí hậu Việt Nam rất thích hợp để trồng dưa lê Kim Cô Nương. Ảnh minh họa.

2. Trồng cây

Cách ngâm ủ hạt: Ngâm hạt vào nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong 3 - 4 tiếng rồi vớt ra, để ráo. Sau đó gói vào khăn ẩm sạch, ủ ấm 24 - 30 tiếng, thấy hạt nứt nanh thì đem gieo. Có thể gieo trực tiếp ra ruộng hoặc gieo vào bầu. Nếu gieo vào bầu, khi cây con được 2 lá mầm thì cấy ra dụng cụ trồng (sau gieo 8 - 10 ngày). Sau khi gieo cấy xong cần tưới nước cho cây.

Loại dưa này rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch. Ảnh minh họa.
Loại dưa này rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Tưới nước: Lượng nước tưới phụ thuộc vào cơ cấu đất, thời tiết và thời kỳ phát triển của cây, nên tưới vào lúc sáng hoặc chiều mát.

Bón phân:

Lần 1: Sau khi gieo hạt khoảng 18 - 20 ngày, tiến hành bón đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế.

Lần 2: 7 - 10 ngày sau khi đậu trái.

Lần 3: 16 - 18 ngày sau khi đậu trái.

Bấm ngọn, tỉa nhánh, chọn trái:

Để một dây chính: Cây không cần bấm ngọn, định hướng dây bò theo hướng vuông góc với mặt líp. Dưa lê có đặc tính trái nằm trên dây chèo, muốn trái to, mỗi dây để một trái, cần cắt bỏ chèo trên dây chính từ lá thứ 10 trở vào gốc trước khi để trái. Vị trí để trái tốt nhất là lá thứ 10 đến lá thứ 15. Trên chèo chọn trái để 2 lá (kể cả lá để trái), rồi bấm ngọn.

Để 2 dây chèo: Cây được 4 - 5 lá thật tiến hành bấm ngọn chính, sau khi bấm ngọn được 7 - 10 ngày, chọn 2 nhánh tốt nhất, định hướng dây bò theo hướng vuông gốc với mặt líp. Mỗi gốc nên để một trái, cần cắt bỏ chèo trên cây nhánh từ lá thứ 7 trở vào gốc trước khi để trái. Vị trí để trái tốt nhất là lá thứ 7 đến lá thứ 10. Trên chèo chọn trái để 2 lá (kể cả lá để trái), rồi bấm ngọn.

Cây dưa lê Kim Cô Nương được trồng trên sân thượng.
Cây dưa lê Kim Cô Nương được trồng trên sân thượng. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Sau khi đậu trái khoảng 28 - 35 ngày, vỏ trái chuyển sang màu vàng đặc trưng của giống, là thời kỳ thích hợp cho thu hoạch.