Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm mới tăng liên tục khiến dư luận xã hội lo lắng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hầu hết các ca bệnh mới phát hiện đều nằm trong chuỗi truy vết, cho thấy công tác truy vết đang đúng hướng, có thể giúp kiểm soát đợt dịch này.

Cùng chung nhận định là công tác truy vết đang phát huy tác dụng và nếu kiểm soát thật chặt như các địa phương có dịch đang làm thì đỉnh dịch có thể rơi vào từ giữa tháng năm tới đầu tháng sáu (còn trong trường hợp phòng dịch không chặt thì có thể kéo dài tới 3-4 tháng), nhưng TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc trường Đại học Sydney (Australia), đặt tại Việt Nam, lo lắng đánh giá đợt dịch này trầm trọng hơn nhiều so với đợt bùng phát thứ hai ở Đà Nẵng hoặc thứ ba ở Hải Dương. Bà ví, nếu như những lần trước chúng ta “túm được đầu thì lần này không dễ dàng như vậy mà có thể đang túm từng đuôi một”. Lần bùng phát dịch này có “nhiều đầu”, có các ổ dịch độc lập ở các địa phương khác nhau, hoặc từ một ổ dịch đã tỏa đi nhiều nơi khác. Các báo cáo dịch tễ đều cho thấy hiện tượng nhiều ca bệnh đi đến nơi đông người, đi nhiều nơi nên việc kiểm soát sẽ vất vả hơn những lần trước nhiều lần. Vì vậy, việc giãn cách xã hội từng phần và khoanh vùng để người dân trong các khu vực nguy cơ phải hạn chế đi lại, tập trung đông người… sẽ giúp giảm tốc độ lây lan của Covid-19 đi rất nhiều. Cách làm của Hà Nội hiện nay (chỉ thị 12 của UBND TP Hà Nội: không tập trung quá 10 người, dừng các hàng quán vỉa hè, giãn cách 2 mét tại các cuộc họp…) cũng chính là giãn cách từng phần hoặc của TP. HCM trong sàng lọc bệnh viện và trong cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả mà các địa phương khác nên tham khảo và có chiến lược phối hợp đồng bộ.


Mặt khác, việc tiếp tục có chính sách chống dịch chặt như Hà Nội cũng còn giúp giảm bớt căng thẳng cho hệ thống y tế, bởi thông thường hệ thống y tế đã quá tải, nay phải căng sức chống dịch có thể sẽ không đảm bảo cho công tác chống dịch hiệu quả. Đơn cử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã bị quá tải và phải chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác để tiếp tục điều trị, việc chăm sóc cho bệnh nhân sẽ không thể kỹ lưỡng được như trước đây.

Bà lưu ý, chiến lược hiện nay là tìm ra những trường hợp nghi ngờ rồi truy vết và xét nghiệm để phát hiện ra ca bệnh nên “nếu quá tự tin” vào công tác truy các vết sẵn có hiện nay thì có thể vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng. Do đó, nên có chính sách xét nghiệm Covid-19 cho người dân để phát hiện sớm và các lực lượng lên phương án chủ động chống dịch.

Cùng xác định sẽ không thể “sạch bóng dịch” trong cộng đồng, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, giờ đây trách nhiệm không chỉ ở chính phủ mà phải từng người phải tuân thủ 5K để không trở thành “cầu nối” mang virus đi từ nơi này sang nơi khác, cầm cự cho tới ngày chủng ngừa cho phần lớn dân số.