Theo một nghiên cứu mới đây, dù trên thế giới ngày càng có nhiều người sống lâu hơn, nhưng cái chết ở tuổi già của loài người vẫn là điều tất yếu.

Các nhà khoa học cho rằng giờ đây nhiều người sống lâu hơn là do chúng ta đã giảm được tỷ lệ tử vong ở độ tuổi trẻ hơn của con người, chứ không phải là nhờ ta đã trì hoãn được cái chết. Ảnh: Charles Sturt University

Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ các nước, doanh nghiệp, viện/trường và các nhà đầu tư đã tài trợ một số tiền khổng lồ với mong muốn các nhà khoa học có thể khai thác sức mạnh của hệ gen và trí tuệ nhân tạo để tìm ra cách ngăn cản hoặc thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa.

Nhưng mới đây, một nghiên cứu đáng kinh ngạc đã khẳng định, chúng ta sẽ không thể làm chậm tốc độ lão hóa vì những ràng buộc về mặt sinh học.

Nghiên cứu là kết quả hợp tác giữa các nhà khoa học từ 14 quốc gia, bao gồm các chuyên gia từ Đại học Oxford, nhằm kiểm tra giả thuyết “tốc độ lão hóa bất biến” – trong đó cho rằng mỗi loài có tốc độ lão hóa tương đối cố định khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

“Những phát hiện của chúng tôi đã củng cố lý thuyết rằng giờ đây nhiều người sống lâu hơn là do chúng ta giảm được tỷ lệ tử vong ở độ tuổi trẻ hơn của con người, chứ không phải nhờ ta đã trì hoãn được cái chết”, José Manuel Aburto ở Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học Leverhulme thuộc Oxford, cho biết. Ông đã tiến hành phân tích dữ liệu sinh - tử theo độ tuổi cụ thể trải dài trong nhiều thế kỷ và các lục địa.

“Chúng tôi đã so sánh dữ liệu sinh và tử của con người cũng như động vật linh trưởng không thuộc họ người, và nhận thấy, mô hình tử vong nhìn chung đều giống nhau ở tất cả các loài trên”, Aburto phân tích. “Điều này cho thấy rằng các yếu tố sinh học, chứ không phải môi trường, mới là chìa khóa quyết định tuổi thọ.”

“Các số liệu thống kê khẳng định, một người sẽ sống lâu hơn khi sức khỏe và điều kiện sống được cải thiện, từ đó gia tăng tuổi thọ trung bình trên toàn bộ dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tăng cao khi chúng ta trở thành ‘người già’, điều này có thể thấy rõ ở tất cả các loài.”

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh luận về việc, liệu có hay không một phương thuốc kỳ diệu giúp trường sinh bất tử, kéo dài tuổi xuân? Ảnh:LightField Studios Inc./Alamy Stock Photo

Cuộc tranh luận về việc chúng ta có thể sống lâu đến mức nào đã chia rẽ cộng đồng học thuật trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở Vương Quốc Anh - nơi vẫn miệt mài tìm kiếm phương thức kéo dài tuổi thọ và sức khỏe – hiện có ít nhất 260 công ty, 250 nhà đầu tư, 10 tổ chức phi lợi nhuận và 10 phòng nghiên cứu với các công nghệ tiên tiến nhất… hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhưng điều còn thiếu trong cuộc tranh luận là việc nghiên cứu so sánh tuổi thọ của nhiều quần thể động vật với con người, để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong. Aburto cho hay nghiên cứu của nhóm ông đã lấp đầy khoảng trống đó. “Việc thu thập các dữ liệu vô cùng đa dạng này đã giúp chúng tôi so sánh sự khác biệt về tỷ lệ tử vong cả trong và giữa các loài”.

Tất cả các tập dữ liệu mà nhóm của Aburto xem xét đều cho thấy cùng một kiểu tử vong chung: con người có nguy cơ tử vong cao ở giai đoạn khi còn sơ sinh, tỷ lệ này giảm nhanh ở lứa tuổi thanh thiếu niên và duy trì ở mức thấp cho đến khi trưởng thành, và sau đó liên tục tăng lên khi tuổi đã cao.

“Phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng, trong suốt lịch sử, tuổi thọ trung bình thấp là do nhiều người chết trẻ”, Aburto cho biết. “Nhưng khi y tế, xã hội và môi trường được cải thiện, chúng ta giảm được tỷ lệ chết trẻ, nên từ đó tuổi thọ tất yếu tăng lên.”

“Ngày càng có nhiều người sống lâu hơn. Tuy nhiên, con đường dẫn đến cái chết ở tuổi già vẫn không thay đổi”, ông bổ sung. “Nghiên cứu này cho thấy sinh học tiến hóa đã vượt lên trên tất cả, và cho đến nay, những tiến bộ y học vẫn chưa thể đánh bại những ràng buộc về mặt sinh học này.”

David Gems, giáo sư về sinh học lão khoa tại Viện Lão Hóa Khỏe mạnh ở UCL, cho rằng bản tóm tắt của báo cáo cho thấy nghiên cứu này là “một nghiên cứu có giá trị cao và đúng đắn, chứng minh thành công một chủ đề gây tranh cãi.”

Nguồn: