“Việc dán mắt vào màn hình của các thiết bị thông minh cả ngày có thể gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng đối với não bộ” – hầu như tất cả chúng ta đều đã từng được cảnh báo về nguy cơ như vậy, song không phải ai cũng đủ coi trọng điều đó để thực hiện sự điều chỉnh.
Mới đây, một nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ, Úc và châu Âu thực hiện lại càng làm củng cố thêm nhận định trên, khi chỉ ra: thói quen sử dụng internet quá nhiều có thể làm biến đổi cách thức hoạt động của não bộ. Cụ thể, những người tiếp xúc với màn hình và truy cập internet liên tục thường có xu hướng làm việc kém hiệu quả hơn đối với các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng ghi nhớ, hoặc rất dễ bị phân tâm – một minh chứng hùng hồn cho thấy tác động tiêu cực của công nghệ.
Trong các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã mời hàng trăm người tham gia thực hiện những tác vụ liên quan đến trí nhớ, năng lực nhận thức, và thậm chí quét cả não của họ. Kết quả phân tích dữ liệu sau đó đã được công bố trên Tạp chí World Psychiatry chuyên về tâm thần học. Tiến sĩ Joseph Firth – chuyên gia sức khỏe tâm lý tại Đại học Tây Úc (Western Sydney), người đứng đầu dự án – đã mô tả trong thông cáo báo chí về cách thức mà thiết kế của internet đang làm thay đổi não bộ, cả về mặt cấu trúc lẫn chức năng.
“Chúng ta thường dễ phân tâm và khó tập trung cho một nhiệm vụ duy nhất trước những thông báo hiện ra liên tục trên internet”, Firth nói. Vì thế, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại, rằng chính nguồn thông tin phong phú sẵn có trên internet đang làm thay đổi cách thức lưu trữ thông tin của não bộ, khiến chúng ta ngày càng trở nên lười biếng và không còn nhu cầu muốn ghi nhớ tất cả mọi thứ – mà tại sao lại cần phải làm vậy khi đã có Google và Wikipedia?
Hải Đăng (theo NICM)