Một nghiên cứu mới cho thấy, nam giới trẻ hút thuốc lá có khả năng bị đột quỵ trước tuổi 50 cao hơn so với những người bạn đồng trang lứa không hút thuốc lá.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Stroke, các nhà khoa học tại Đại học Maryland (Mỹ) khảo sát dữ liệu của 615 nam giới bị đột quỵ trước tuổi 50, đồng thời so sánh thói quen hút thuốc của họ với một nhóm đối chứng gồm 530 nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49 và không có tiền sử đột quỵ.

Trong số các nam giới bị đột quỵ, có 239 người chưa bao giờ hút thuốc, 108 người từng hút thuốc trước đây, 103 người hút từ 1 – 10 điếu/ngày, 97 người hút từ 11 – 20 điếu/ngày, 40 người hút từ 21 – 39 điếu/ngày và 28 người hút trên 40 điếu (hoặc hai bao thuốc) mỗi ngày.

Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung vào hiện tượng gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đây là nguyên nhân đột quỵ phổ biến nhất, xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch vận chuyển máu đến não. Hạn chế của nghiên cứu là chưa thu thập được dữ liệu về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như uống rượu.

Kết quả cho thấy, những nam giới đang hút thuốc ở thời điểm hiện tại có khả năng bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không bao giờ hút thuốc. Trong khi đó, những người hút thuốc ở mức nhẹ (ít hơn 11 điếu/ngày) có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46%. Những người hút thuốc lá nặng, với thói quen hút ít nhất hai bao thuốc mỗi ngày, có khả năng bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không hút thuốc.

“Điều đơn giản là bạn càng hút nhiều thuốc, bạn càng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Hút thuốc gây viêm bên trong mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ”, Janina Markidan, tác giả chính của nghiên cứu tại Trường Y khoa thuộc Đại học Maryland, cho biết.

Theo Markidan, mặc dù việc hạn chế số lượng điếu thuốc lá sử dụng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng bỏ thuốc lá vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho người hút thuốc.

Hút thuốc từ lâu được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy, mối liên hệ này cũng xuất hiện ở người hút thuốc trẻ hơn, Allan Hackshaw, một nhà khoa học tại trường University College London (UCL), cho biết.

“Bởi vì các biện pháp điều trị đột quỵ hiện nay đã tốt hơn trước nên ít khi bệnh nhân sẽ chết ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có thể vẫn phải chịu những hậu quả lâu dài và khuyết tật thể chất ở độ tuổi đang làm việc cũng như vận động”, Hackshaw nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thói quen hút thuốc. Có ít nhất 17 loại ung thư là do thuốc lá gây ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này thế giới sẽ có hơn một tỷ người chết vì nguyên nhân liên quan đến khói thuốc.