Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell Reports, các nhà nghiên cứu lần đầu tiết lộ rằng SIRT6, một loại protein liên quan đến việc điều tiết nhiều quy trình sinh học như lão hóa, béo phì, kháng insulin, viêm và chuyển hóa, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đốt cháy và điều hòa chuyển hóa mỡ gan.
SIRT6 điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo bằng cách kích hoạt một loại protein khác gọi là tác nhân gây kích hoạt thụ thể sao chép trên nhân tế bào, gọi tắt là PPAR-alpha, giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo trong gan.
"SIRT6 giống như một người tung hứng cân bằng và phối hợp giữa các quá trình trao đổi chất trong cơ thể", tác giả nghiên cứu chính, giáo sư Haim Cohen, cho biết. "Phối hợp với PPAR-alpha, SIRT6 gửi thông điệp đến cơ thể để đốt cháy nhiều chất béo hơn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi gan nhiễm mỡ và các bệnh liên quan, trong đó có béo phì."
Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain
Nghiên cứu trước đây của Cohen và các đồng nghiệp đã chứng minh tác dụng kéo dài tuổi thọ của SIRT6. Trong nghiên cứu này, để tiếp tục chứng minh tác dụng trên, các nhà khoa học đã tăng mức SIRT6 thường xuyên để chống lại sự suy giảm protein này sinh ra do chế độ ăn nhiều chất béo và bệnh gan nhiễm mỡ. Sử dụng một công cụ tính toán được phát triển với Giáo sư Ziv Bar Joseph từ Đại học Carnegie Mellon, nhóm đã xem xét các trạng thái trao đổi chất khác nhau, chẳng hạn như ăn chay và ăn kiêng thường xuyên, và thấy rằng SIRT6 biểu hiện nhiều hơn dẫn đến đốt cháy nhiều chất béo hơn, đặc biệt là ở gan.
Đồng tác giả nghiên cứu Shoshana Naiman khẳng định: "SIRT6 không chỉ hoạt động với PPAR-alpha để giúp cơ thể đốt cháy nhiều chất béo hơn và điều phối quá trình chuyển hóa chất béo ở gan, mà còn có thể điều chỉnh các con đường chuyển hóa khác liên quan đến chất béo trong gan như chuyển hóa cholesterol và triglyceride".
Sirtuin 6 (SIRT6 hoặc Sirt6) là một protein deacetylase phản ứng với stress và một enzyme được mã hóa bởi gen SIRT6. SIRT6 hoạt động trong nhiều con đường phân tử liên quan đến lão hóa, bao gồm sửa chữa DNA, bảo trì trình tự lặp DNA telomere, quá trình đường phân và phản ứng viêm.
Qua thử nghiệm trên chuột, những cá thể chuột đã được biến đổi gen để biểu hiện tăng cường hoặc sản xuất nhiều hơn SIRT6 có tuổi thọ tối đa kéo dài hơn so với những cá thể bình thường. Các kết quả nghiên cứu và giả thuyết liên quan đã khiến protein này mang tên “protein tuổi thọ”.
Tuy nhiên, hiệu quả y tế của SIRT6 ở người vẫn chưa rõ ràng, do đó chưa được sử dụng trong y học. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng SIRT6 bị bất hoạt chọn lọc trong quá trình phát sinh ung thư ở nhiều loại khối u. Các bệnh thoái hóa thần kinh ở người cao niên (bao gồm cả Alzheimer) cũng được phát hiện có liên quan tới với mức SIRT6 thấp trong cơ thể. |
Nguồn:
https://medicalxpress.com/news/2019-12-longevity-protein-sirt6-fatty-liver.html
Ngọc Đỗ theo medicalxpress