Chúng ta thường nghe nói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng như các bệnh về tim, phổi và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng thuốc là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh tiểu đường gồm hai loại chính. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 không thể sản xuất insulin, một loại hormone do tuyến tụy tiết ra để chuyển hóa glucose và carbohydrate thành năng lượng cơ thể có thể sử dụng. Khoảng 5% bệnh nhân tiểu đường thuộc loại 1, và họ thường điều trị bằng liệu pháp insulin.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, cơ thể họ sử dụng insulin một cách bất thường khiến lượng đường trong máu – hoặc đường huyết – tăng quá cao. Bệnh tiểu đường loại 2 chiếm hơn 90% tổng số ca bệnh tiểu đường.
Ngoài yếu tố tuổi tác, dân tộc, béo phì và di truyền, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 theo những cách thức nhất định. Các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá gây hại đến các tế bào trong cơ thể và cản trở chức năng bình thường của chúng. Điều này có thể gây viêm khắp cơ thể, làm giảm mức độ hoạt động hiệu quả của insulin.
Ngoài ra, khi các hóa chất trong khói thuốc lá gặp oxy trong cơ thể, chúng có thể làm tăng tình trạng stress oxy hóa. Cả hai yếu tố stress oxy hóa và chứng viêm đều liên quan trực tiếp đến bệnh tiểu đường.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn từ 30 đến 40% so với những người không hút thuốc. Thói quen hút thuốc khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường và điều chỉnh lượng hormone insulin trong máu trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân là do chất độc nicotine từ khói thuốc lá cản trở hoạt động bình thường của insulin, khiến người hút thuốc cần nhiều insulin hơn để điều hòa đường huyết.
Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, suy thận, giảm thị lực, tổn thương dây thần kinh và mạch máu ở bàn chân – trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ chân.
“Những bệnh nhân tiểu đường hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng này cao hơn nhiều so với bệnh nhân thông thường”, FDA nhận định.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, hormone insulin trở nên hiệu quả hơn trong việc làm giảm lượng đường trong máu sau khi bệnh nhân bỏ thuốc lá khoảng 8 tuần. “Cho dù bạn có bị bệnh tiểu đường loại 2 hay không, bạn càng bỏ thuốc sớm thì cơ thể bạn càng nhanh chóng phục hồi lại”, FDA cho biết.
Quốc Lê (Theo FDA)