Các loại ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày... có thể phát hiện sớm để nâng tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ), đồng thời là cố vấn khoa học cho nhóm Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, thì nguyên nhân sâu xa của bệnh ung thư là sự thay đổi bất thường về gene trong tế bào dẫn đến sự phát triển mất kiểm soát của các tế bào đó, khiến chúng có thể xâm lấn, chèn ép các cơ quan lân cận hoặc thậm chí chúng di căn đến những cơ quan xa hơn qua hệ thống máu và bạch huyết.
Không ai trả lời được một người bình thường nào đó có thể mắc ung thư hay không, chỉ có thể “đoán” được họ có “nguy cơ” cao hay thấp dựa vào việc tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư (carcinogen) hoặc gia đình có sẵn các gen khiếm khuyết di truyền trong phả hệ (tỉ lệ này rất thấp, thường <5%-10%).
Với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, việc phát hiện sớm ung thư sẽ có nhiều cơ hội điều trị lành. Tuy nhiên có những loại phát triển rất “kín tiếng” như ung thư tụy, thường chỉ phát hiện khi đã đến giai đoạn muộn. Ngược lại, cũng có một số loại ung thư có thể phát hiện sớm trước khi triệu chứng xuất hiện, như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày...
Theo thông tin từ
Bệnh viện 103, phần lớn các loại ung thư “dễ phát hiện” trên đều năm trong danh sách những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với hàng chục nghìn ca mắc mới và tử vong hằng năm. Tuy nhiên phần lớn các ca bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn, tốn kém và hiệu quả điều trị không cao. Ở Việt Nam, tỉ lệ chữa khỏi các bệnh ung thư (tức sống thêm từ 5 năm) ở nam giới là 33%, ở nữ khoảng 40%. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa có nhiều hiểu biết về dự phòng và phát hiện sớm ung thư; đồng thời, chi phí chẩn đoán điều trị bệnh còn tốn kém.
Do vậy, việc tầm soát ung thư - tức phát hiện bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng - là điều rất quan trọng. Có thể sử dụng các phương pháp khám lâm sàng và xét nghiệm phù hợp để phát hiện sớm ở từng độ tuổi. Đối với những người có nguy cơ cao hơn như đã từng bị ung thư trước đó, có gene khiếm khuyết đã được biết, v.v… có thể sẽ cần tầm soát kỹ hơn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Chẳng hạn, với ung thư vú hay ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, các bác sĩ cho rằng nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn, và nếu ở giai đoạn 1-2 thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ đạt khoảng 50-80%.
Tương tự, với các loại ung thư ở cả nam giới và nữ giới như ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi khoảng 80%-90%. Nếu các loại ung thư phát triển đến giai đoạn 2 hoặc sau nữa thì tỷ lệ chữa khỏi giảm nhanh, đến giai đoạn cuối chỉ dưới 15%.
Các số liệu thống kê cũng chỉ ra một xu hướng đáng báo động là "độ tuổi mắc nhiều loại ung thư đang ngày càng trẻ hóa". Việc chuẩn bị kiến thức và tầm soát ung thư theo độ tuổi có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống hiện đại.
Dưới đây là bảng tóm tắt một số thông tin cần thiết về việc tầm soát ung thư theo độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ khác của 5 loại ung thư phổ biến.