Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính, nhưng cũng có thể gặp biến chứng gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cho sẽ sớm là điều thật sự cần thiết. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chữa thủy đậu ở trẻ em nhanh và không để lại sẹo.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và dễ bùng phát thành dịch. Nguyên nhân là do virus Varicella-Zoster, có ái tính với tế bào da, niêm mạc và hệ thống thần kinh gây nên.

Bệnh thường lành tính, trừ trường hợp viêm não. Thủy đậu lây theo đường hô hấp, do virus trong nước bọt và dịch ở họng bệnh nhân phát tán ra môi trường xung quanh. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi sẽ gây nhiễm cho trẻ em khác chưa bị bệnh.

Trẻ em dễ mắc thuỷ đậu hơn người lớn. Ảnh minh hoạ.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thuỷ đậu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em từ 6 tháng đến 7 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh vì có miễn dịch đầy đủ hơn trẻ em, chỉ khoảng 10% người lớn trên 20 tuổi mắc bệnh thuỷ đậu.

Hầu hết các trường hợp, con người chỉ có thể bị bệnh thủy đậu một lần. Điều này được gọi là miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm hoi, có thể mắc thủy đậu một lần nữa, đặc biệt là khi bị lần đầu tiên lúc họ còn quá nhỏ.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, trẻ nhỏ thường sốt nhẹ, biếng ăn. Trong khi đó, người lớn có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Sau đó, cơ thể sẽ bắt đầu nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chi và thân. Mụn nước có đường kính vài milimet. Nếu bị nặng, mụn nước sẽ to hơn hoặc khi bội nhiễm nó sẽ có màu đục do chứa mủ. Sau 1-2 ngày xuất hiện, nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Sau khi nốt đậu mọc, người bệnh giảm sốt và tổn thương bóng nước khô dần rồi tự bong vảy vài ngày sau đó. Tuy nhiên, các bóng nước này để lại sẹo mờ trên da sau vài tuần mới hết hẳn. Thông thường, bệnh diễn biến kéo dài khoảng 2 tuần.

Các biến chứng có thể gặp của thủy đậu là viêm niêm mạc miệng, viêm tai giữa và tai ngoài, viêm thanh quản, viêm phổi, hội chứng Croup giả… và đặc biệt nguy hiểm hơn là viêm não.

Hiện nay, bệnh thủy đậu không có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng, xử lý các nốt đậu để đề phòng bội nhiễm. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chữa thủy đậu ở trẻ em nhanh chóng và không để lại sẹo.

Vệ sinh thân thể

Khi trẻ bị thuỷ đậu, nên bạn nên cắt móng tay cho chúng.

- Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát, sạch sẽ.

- Mặc quần áo sạch và rộng rãi.

- Cắt móng tay, luôn giữ tay sạch sẽ, đeo bao tay cho trẻ.

- Tắm rửa bằng nước ấm hoặc các dung dịch sát khuẩn.

- Dùng bột Talc vô khuẩn hoặc phấn rôm xoa khắp người cho trẻ đỡ ngứa ngáy.

Điều trị triệu chứng

- Tại những nốt đậu bị vỡ, các mẹ nên chấm dung dịch xanh metylen, không được bôi mỡ tetracicline, mỡ penicilin hay thuốc đỏ.

- Cho uống các thuốc kháng histamin như chlopheniramin, loratadine… chống ngứa để trẻ không cào gãi, gây bội nhiễm các nốt đậu.

- Khi trẻ đau và sốt cao, có thể cho dùng acetaminophen. Tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc những thuốc có chứa aspirin cho trẻ em. Khi sử dụng những thuốc này, có nguy cơ xảy ra hội chứng Reye (một bệnh chuyển hoá nặng gồm tổn thương não và gan dẫn đến tử vong).

- Mỗi ngày, nhỏ mắt, mũi 2-3 lần thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%.

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus.

- Trong vòng 24 giờ đầu, khi xuất hiện nốt đậu, các bậc phụ huynh cho trẻ uống thuốc kháng virus loại acyclovir để giúp rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Liều lượng phụ thuộc lứa tuổi hoặc cân nặng của trẻ.

- Nếu trẻ bị thủy đậu thể nặng hoặc gặp biến chứng như viêm màng não, trẻ suy giảm miễn dịch, có thể tiêm acyclovir đường tĩnh mạch.

- Tuyệt đối tuân theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo mà dùng thuốc sai lầm, dẫn đến thủy đậu bội nhiễm nặng và những biến chứng khôn lường.

- Trong giai đoạn trẻ mới khỏi bệnh, cần phải tuyệt đối chống nắng và tránh cào gãi gây trầy xước. Bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da thông qua chế độ ăn hoặc thuốc uống. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và nghỉ ngơi nhiều.

*Lưu ý: Nên đi đến gặp bác sĩ khi gặp phải các tình trạng sau:


+ Trẻ sốt cao nhiều lần. Với bệnh thủy đậu, sốt ở vài ngày đầu tiên là triệu chứng bình thường. Nhưng nếu con bạn vẫn sốt cao trong những ngày sau của bệnh, các mẹ nên đưa con đi khám.

+ Nốt phát ban thủy đậu to, đỏ hoặc đau rát. Có thể con bạn đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn và cần dùng kháng sinh điều trị.