Hoa phong lữ thảo (quỳ thiên trúc) thường được trồng để trang trí nhà cửa, văn phòng… vì hoa có nhiều màu sắc, mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, lá có thể phơi khô có thể làm trà. Theo phong thủy, loài hoa này còn có khả năng trừ tà.

Cây hoa phong lữ thảo con. Ảnh minh họa.
Cây hoa phong lữ thảo con. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, giỏ treo, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hoa phong lữ thảo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thẩm mỹ thì bạn nên trồng hoa quỳ thiên trúc ở chậu cây. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Đất trồng hoa phong lữ thảo phải tơi xốp, thoáng, giàu dinh dưỡng. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15-20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Cây thiên trúc quỳ có thể sống tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng từ bóng bán phần đến sáng hoàn toàn. Khi thời tiết mùa Thu hoặc Đông, Xuân nên trưng cây tự nhiên ngoài trời, khi đặt cây trong nhà nên chú ý để ở những vị trí có nhiều ánh sáng chiếu vào như cửa kính, cửa sổ, cửa ra vào… Mùa Hè cần che nắng trực tiếp cho cây bằng lưới hoặc tấm lợp thông minh.

Hoa phong lữ thảo. Ảnh minh họa.
Hoa phong lữ thảo. Ảnh minh họa.

2. Trồng cây

Hoa phong lữ thảo có thể nhân giống bằng hạt, giâm cành hoặc trồng cây bằng phương pháp nuôi cấy mô. Trong đó, giâm cành là biện pháp đơn giản, dễ làm, rẻ tiền và thông dụng nhất.

Gieo hạt: Có thể lấy hạt từ trái sau mùa hoa, hoặc mua hạt giống sẵn. Gieo hạt thành hàng cách nhau 2cm. Khoảng cách hột trên mỗi hàng là 5cm. Tưới sương mỗi sáng và phủ kiếng hay giấy nilon trong để giữ ẩm. Sau 2 tuần mở giấy nilon ra, tránh tưới nước cho đất thoáng ráo để tránh thối. Khi lá đầu tiên phát triển, phải trồng riêng ra chậu nhỏ. Bứng và nâng bằng 2 ngón tay cây con có kèm theo chút đất trồng.

Giâm cành: Chọn cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại làm giống. Trên cây mẹ chọn cắt đoạn cành bánh tẻ (thân có màu xanh nâu, không quá già nhưng cũng không được non quá). Mỗi đoạn hom giâm dài khoảng 10cm, có ít nhất 2 - 3 mầm mắt khỏe. Dùng dao sắc cắt vát một góc 45 độ để có diện tích tiếp xúc với giá thể lớn nhất sẽ cho tỷ lệ ra rễ cao nhất. Cắt bỏ hết các lá chỉ chừa lại phần cuống lá khoảng 1 - 2 mm. Có thể giâm cành trực tiếp vào chậu, vào bầu hoặc trên luống ươm cho ra rễ, phát triển thành cây con rồi mới đem cấy vào chậu.

Hoa phong lữ thảo nở rộ. Ảnh minh họa.
Hoa phong lữ thảo nở rộ. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Hoa phong lữ thảo không yêu cầu nhiều nước nên nên chỉ cần cưới 1-2 ngày/lần khi thấy mặt đất đã se khô để tránh úng rễ. Tuy nhiên, nếu cây rụng lá nhiều là lúc đó đã bị thiếu nước.

Khi cây đã mọc chồi, lá mới, tiến hành nhổ cỏ trên mặt bầu, loại bỏ những cành chết hoặc không ra rễ để trồng dặm thay thế bằng các cây con khỏe mạnh.

Khi cây đã bén rễ hồi xanh tiến hành bón thúc bằng cách tưới 200 ml dung dịch NPK 1% cho mỗi bầu kích thước 18 x 18cm (pha 100g NPK trong 10 lít nước), định kỳ 20 ngày/1 lần.

Sau khi hoa tàn, dùng dao sắc cắt bỏ thân cây sát gốc, tỉa bỏ lá già, xới xáo mặt bầu, bón thêm phân chuồng hoai mục, tưới đủ nước cây sẽ tiếp tục đâm chồi để cho những lứa hoa mới.