Đã có thông tin về ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 đến tim, phổi và hô hấp; nhưng ảnh hưởng tới não và hệ thần kinh vẫn là một bí ẩn.

Hình minh họa. Nguồn: CNN

Nghiên cứu của Đại học London công bố đầu tháng 7 cho thấy, 10 trong số 43 bệnh nhân COVID-19 mất chức năng não tạm thời và bị mê sảng, 12 người bị viêm não, 8 người bị đột quỵ, 8 người bị chấn thương thần kinh.

Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry hồi tháng 6 cho thấy, trong 153 bệnh nhân ở Anh tham gia nghiên cứu, có các bệnh nhân dưới 60 tuổi cũng bị đột quỵ, rối loạn tâm thần hoặc trầm cảm.

Trong số các triệu chứng thần kinh, phổ biến nhất là mất khứu giác và vị giác - đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên cho biết một người đã bị nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, chóng mặt, mất ý thức, yếu ớt, co giật, liệt, đột quỵ…

Virus lây lan qua các hạt trong không khí vì thế khi vào cơ thể người, virus xâm nhập qua mũi và miệng. Khi đó, có thể virus đi qua lá sàng (cribriform plate – phần xương ở đỉnh mũi) để tới hành khứu giác chứa dây thần kinh khứu giác và các nhánh. Nếu virus trực tiếp xâm nhập các nụ vị giác, nó có thể ngăn các sợi thần kinh truyền tín hiệu tới não và khiến người đó mất vị giác.

Tất nhiên, đó chỉ là một giả thiết, nhưng theo một nghiên cứu, có tới 88% trong số 417 bệnh nhân COVID-19 biểu hiện các triệu chứng kể trên. Phần lớn bệnh nhân hồi phục trong hai tuần mà không gặp vấn đề gì về thần kinh nữa.

Một giả thiết khác liên quan tới một thụ thể protein được gọi là “enzyme chuyển đổi angiotensin” (ACE2) có trong các tế bào khắp cơ thể: ở phổi, thận, mạch máu, cơ, mũi và miệng. Trong mũi và miệng, virus được cho là liên kết với các thụ thể ACE2 trong tế bào thần kinh cảm giác và ngăn các tế bào này giúp con người ngửi và cảm nhận mùi vị.

ACE2 cũng giúp duy trì huyết áp và bảo vệ tim, não khỏi bị tổn hại. Vai trò của nó là hạ nồng độ một phân tử được gọi là angiotensin II. Nếu nồng độ angiotensin II tăng lên, mạch máu sẽ thắt lại và giảm luồng máu tới các bộ phận, có thể gây tổn hại các bộ phận đó.

Điều thú vị nhất mà các nhà khoa học bắt đầu hiểu được là: phần lớn các triệu chứng dường như không do virus trực tiếp gây ra, mà là do phản ứng miễn dịch quá đà của cơ thể khi chống lại virus.

Tiến sĩ Majid Fotuhi, Giám đốc y khoa Trung tâm Sức khỏe Não NeuroGrow, nói: “Điều thực sự kỳ lạ là làm thế nào mà một virus như vậy, với quá ít thông tin gene, lại có thể gây tổn hại cho hệ thống thần kinh con người”.

Có thể lấy triệu chứng đột quỵ làm ví dụ. Khi virus liên kết với ACE2 trong mạch máu, nó kích hoạt phản ứng miễn dịch (đôi khi còn được gọi là cơn bão cytokine). Bị viêm quá nhiều có thể làm suy yếu hệ thống đông máu của cơ thể và tạo thành hàng triệu cục máu đông nhỏ hoặc vài cục máu đông lớn. Cùng với nồng độ angiotensin II cao làm thu hẹp mạch máu, các cục máu đông có thể ngăn máu chảy tới não và dẫn tới đột quỵ.

Một số cơn đột quỵ nhẹ và bệnh nhân có thể không nhận ra. Nhưng đôi khi cơn đột quỵ nghiêm trọng và gây chết người, kể cả ở những người khỏe mạnh trong độ tuổi 30 và 40.

Viêm nhiễm quá nhiều cũng có thể phá tan bức tường bảo vệ là hàng rào máu não, dẫn tới sưng não, co giật hoặc lây lan viêm nhiễm.

Một số bệnh nhân COVID-19 còn mắc hội chứng Guillain-Barre, một loại rối loạn thần kinh có thể dẫn tới liệt.

Theo TS Felicia Chow, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thần kinh tại Đại học California, nói: “Gây ra những vấn đề liên quan tới thần kinh dường như là đặc điểm nổi bật của loại virus Corona này”.

Nguồn: