Hiện tượng trẻ song sinh cùng mẹ khác cha trong y học gọi là "bội thụ tinh khác kỳ, khác cha" (heteropaternal superfecundation).


Trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều trường hợp sinh đôi khác cha. Lý giải cho hiện tượng song sinh cùng mẹ khác cha này, giáo sư sản khoa Russell Miller thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đã đưa ra những lập luận cụ thể đăng trên trang Business Insider.

Theo giáo sư sản khoa Russell Miller, hiện tượng trẻ sinh đôi nhưng khác cha trong y học gọi là "bội thụ tinh khác kỳ, khác cha" (heteropaternal superfecundation).

Cụ thể, quá trình này có thể xảy ra khi 2 người đàn ông cùng quan hệ tình dục với một phụ nữ. Tinh trùng của một người đàn ông thụ tinh cho một trứng của người phụ nữ, trong khi "con giống" của người đàn ông kia thụ tinh cho một quả trứng khác. Các bác sĩ phỏng đoán, tất cả những điều này xảy ra trong không đầy 1 tuần, vì tinh trùng chỉ sống sót được khoảng 5 ngày.

Kham pha bi an truong hop song sinh cung me khac cha
Hiện tượng trẻ song sinh cùng mẹ khác cha trong y học gọi là "bội thụ tinh khác kỳ, khác cha". Ảnh minh họa.

Dù nghe có vẻ giống viễn tưởng khoa học nhưng hiện tượng trên hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực. Trong trường hợp sinh đôi khác trứng cùng cha mẹ, 2 quả trứng khác nhau của cùng một phụ nữ được 2 tinh trùng của cùng một người đàn ông thụ tinh. Tuy nhiên, trong trường hợp bội thụ tinh khác kỳ, khác cha, 2 quả trứng khác nhau của cùng một phụ nữ cũng được 2 tinh trùng thụ tinh nhưng những tinh trùng này lại là các "con giống" của 2 nam giới khác nhau.

Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ có thể lý giải sự việc hy hữu này rằng: Khi người mẹ rụng nhiều trứng trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt và quan hệ với hơn một đối tượng, mỗi trứng có thể được thụ tinh bởi một người đàn ông khác nhau, dẫn tới sự khác biệt lớn của cặp song sinh. Thậm chí 2 đứa trẻ sinh đôi có thể không chào đời cùng một lần sinh.

Có trường hợp, người mẹ đã có thai lại thụ thai thêm một lần nữa khi một trứng thụ tinh với một tinh trùng khác trong cùng tháng. Hiện tượng này gọi là bội thụ tinh khác kỳ. Điều đó xảy ra sau một vài tuần sau khi hợp tử đầu tiên đã được hình thành. Nó cũng giải thích cho lý do tại sao khi chào đời, một bé song sinh sẽ lớn hơn và trưởng thành hơn so với bé kia.

Một nghiên cứu năm 1992 phát hiện ra rằng trong tất cả các trường hợp tranh chấp pháp lý liên quan đến cặp song sinh, khi xuất hiện nghi ngờ về quan hệ cha - con, hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ chỉ xảy ra trong khoảng 2,4% số này.

Các bác sĩ cho biết, hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ, khác cha hiếm khi xảy ra và rất khó để xác định. Hầu hết các trường hợp đã biết chỉ được phanh phui vì các lí do pháp lý hoặc khi ai đó tiến hành xét nghiệm kiểm tra quan hệ cha - con.