Hội chứng rối loạn ngôn ngữ này có thể phát triển thành rối loạn thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, gây khó khăn trong việc chuyển động mắt, tay chân, đi bộ và bệnh có chiều hướng xấu đi theo thời gian.
Theo một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ Khoa học (AAAS) cuối tháng 2 vừa qua, Apraxia (chứng mất khả năng phối hợp động tác) là một chứng rối loạn ngôn ngữ - tác nhân gây bệnh thoái hóa thần kinh, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não người. Hội chứng rối loạn ngôn ngữ này có thể phát triển thành rối loạn thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, gây khó khăn trong việc chuyển động mắt, sử dụng tay chân, đi bộ và đặc biệt bệnh có chiều hướng xấu đi theo thời gian. Biểu hiện của bệnh có thể bắt đầu từ việc khó phát âm từ đơn giản và sau đó là nằm liệt không thể đi lại, không thể nói. Trong một số trường hợp, bệnh nhân của rối loạn ngôn ngữ có thể bị câm, các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Mayo, Minnesota, Mỹ cho biết.
Các triệu chứng biểu hiện ở những người mắc hội chứng apraxin bao gồm: tốc độ nói chậm, nói sai không phù hợp văn cảnh, ví dụ chỉ phát âm không chính xác một từ hay một âm trong một khoảnh khắc, nói chuẩn những câu mang tính tự động kiểu câu chào trong khi gặp khó khăn với những câu nói có tính mục đích.
“Hội chứng Apraxia không dễ nhận ra, thường thì đến giai đoạn nặng bệnh nhân và bác sỹ mới phát hiện và tìm cách điều trị bệnh” - Keith Josephs, nhà thần kinh học từ Bệnh viên Mayo - nói.
Hiện nay nhờ có các phương tiện hiện đại, người bệnh có thể sử dụng máy tính hay nhắn tin thay cho giao tiếp trực tiếp. Các nhà nghiên cứu cũng cho hay liệu pháp ngôn ngữ sẽ không ngăn chặn được sự tiến triển bệnh tuy nhiên nó có thể giúp bệnh nhân phát âm, giao tiếp tốt hơn.
Ngôn ngữ là tổng hoà của mối quan hệ cơ thể- não bộ phức tạp. Nó đòi hỏi cần có sự lựa chọn đúng từ, tổ chức, sắp xếp chúng thành một thông điệp nhất quán. Để truyền tải thông điệp này, 100 cơ nằm giữa phổi và môi phải hoạt động để tạo ra ít nhất 14 âm thanh riêng biệt mà người nghe có thể hiểu được.
Tuệ Anh ( Theo IndiaTimes)