Vi khuẩn vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là nguyên nhân chính gây nên viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP có rất nhiều đường lây, đặc biệt qua đường ăn uống.
Vi khuẩn HP sống dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố, các chất này làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh lý về dạ dày, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vi khuẩn HP lây lan qua rất nhiều đường khác nhau nhưng chủ yếu có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống chung đụng.
Từ các bệnh lý do HP gây ra như viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị, viêm loét hang vị... có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn này cũng phát triển thành ung thư dạ dày.
Có nhiều lý do dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày như gen di truyền; môi trường sống bị ô nhiễm nặng, tiếp xúc với các hóa chất hay phóng xạ độc hại. Ăn uống không hợp vệ sinh, dùng nhiều đồ chiên, nướng, ăn mặn thường xuyên cũng tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh cũng xảy ra ở người có chế độ sinh hoạt không hợp lý, quá căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên thức đêm.
Vì vậy, cách ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh dạ dày hiệu quả nhất là sắp xếp chế độ sinh hoạt hợp lý, tạo khẩu phần ăn lành mạnh khoa học, từ bỏ thói quen gắp chung thức ăn, chấm chung nước chấm cũng như tuân thủ ăn chín uống sôi hợp vệ sinh. Khi thấy có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa không nên tự ý mua thuốc uống mà cần có sự tư vấn, chẩn đoán kịp thời của bác sĩ.
Linh Vy (tổng hợp)