Có thể, tế bào gốc được truyền từ thai nhi đến mẹ trong suốt qúa trình mang thai và cả sau đó giúp người mẹ có một cơ thể trẻ đẹp hơn.

Dân gian thường có câu “gái một con trông mòn con mắt” để nói về người phụ nữ sau sinh nở (nhất là sau lần đầu mang thai) thường sẽ trẻ đẹp, da dẻ mỡ màng, hồng hào và đằm thắm hơn trước. Người ta thường giải thích hiện tượng này là do khả năng cân bằng nội tiết tố sau sinh của cơ thể. Thế nhưng, một cơ chế khác rất hiếm khi được nhắc đến, đó là vai trò của tế bào gốc được truyền từ thai nhi đến mẹ trong suốt qúa trình mang thai và cả sau đó để giúp mẹ có một cơ thể trẻ đẹp hơn.

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, trong suốt giai đoạn mẹ mang thai, các tế bào gốc từ thai nhi đã di chuyển vào các mô và cơ quan khác của cơ thể người mẹ bao gồm máu, tủy xương, da và gan. Ở chuột, các tế bào của thai nhi cũng đã được tìm thấy trong não. Họ đã đưa ra nhiều giả thuyết về sự hiện diện của tế bào thai nhi khắp nơi tại các mô và cơ quan người mẹ, trong đó họ cho rằng hiện tượng này có thể là một cơ chế mà thai nhi đảm bảo thể lực của mẹ tốt nhất nhằm tăng cường cơ hội sống sót của chính thai nhi. Các nhà khoa học ví rằng, đây là cách làm thông minh của thai nhi nhằm bảo vệ chính mình khi ở trong cơ thể mẹ với “thiệt hại phí” thấp nhất hoặc không tốn "chi phí".

Sự di cư của tế bào thai nhi đến cơ thể mẹ

Các nhà khoa học đã xác định được DNA của thai nhi trong máu mẹ ở thời điểm 4 tuần và năm ngày sau thụ thai. Ở tuần thứ 7, các nhà khoa học còn phát hiện được sự có mặt của cả DNA và tế bào thai nhi trong máu mẹ. Đây là một bằng chứng cho thấy đã có sự di cư của tế bào từ cơ thể người con tới cơ quan khác trong cơ thể mẹ. Thậm chí, các nhà khoa học tìm thấy sự hiện diện của các tế bào chức năng (tế bào đã biệt hoá) mang nhiễm sắc thể nam trong mô hoặc cơ quan của nữ bệnh nhân từng mang thai. Một trường hợp cụ thể khác, các tế bào của thai nhi đã được xác định trong các vết sẹo mổ lấy thai của mẹ. Điều này cho thấy, khi người mẹ gặp một tổn thương tại một vị trí nào đó trên cơ thể, tế bào từ thai nhi cũng có thể di chuyển đến khu vực này để tích cực tham gia lành vết thương của mẹ.

Không chỉ tham gia vào việc chữa lành vết thương trên người mẹ, tế bào từ thai nhi còn có tác động tích cực trong việc tăng cường sức khoẻ và tạo sự tươi trẻ cho mẹ. Việc di cư của tế bào thai nhi tới cơ thể mẹ đã làm tăng cường thêm nguồn tế bào gốc cho cơ thể mẹ. Tế bào gốc từ thai nhi là nguồn tế bào gốc vô cùng non trẻ với nhiều tiềm năng biệt hoá thành tế bào chức năng. Có lẽ vì vậy, khi mang thai, người mẹ như được truyền thêm nguồn sức mạnh để nhanh chóng chống chọi và giải quyết các tổn thương xảy ra nếu có. Với chức năng bẩm sinh của một tế bào gốc, cơ chế tìm kiếm và thay thế các tế bào bị tổn thương được kích hoạt dễ dàng. Bên cạnh đó, các tế bào đã già yếu, hết vòng đời của cơ thể mẹ cũng dễ dàng được thay thế.

Da là một cơ tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống đầy biến động bên ngoài. Do đó, tốc độ lão hoá cũng nhanh hơn so với nhiều cơ quan khác. Cụ thể, trong khi các tế bào hồng cầu sống trong khoảng bốn tháng, các tế bào bạch cầu sống trung bình hơn một năm hay các tế bào não thường kéo dài cả đời thì các tế bào da chỉ sống khoảng hai hoặc ba tuần. Cùng với các điều kiện thuận lợi khác (chế độ dinh dưỡng, nghỉ dưỡng của người mẹ sau sinh), vi môi trường cho hoạt động của tế bào gốc được tối ưu hoá đã góp phần tích cực vào sự tái tạo lại các cấu trúc đã bị lão hoá ở da mẹ. Có thể vì vậy mà người mẹ sau sinh có được làn da tươi trẻ, mặn mà hơn.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, sự hiện diện của tế bào thai nhi trong cơ thể mẹ mang lại cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn thảo luận về ba vai trò của các tế bào thai nhi đối với sức khỏe của mẹ: (1) các tế bào thai nhi góp phần gây ra phản ứng viêm có thể gây tổn thương mô của mẹ; (2) các tế bào của thai nhi có vai trò bảo vệ - iúp sửa chữa và duy trì các mô của mẹ hoặc (3) các tế bào của thai nhi chỉ đơn giản là những “kẻ ngoài cuộc”, không có ảnh hưởng nhân quả đến sức khỏe của mẹ. Những giả thuyết này có thể không loại trừ lẫn nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vai trò thứ (2).

Chú thích: Tế bào gốc được biết là loại tế bào có khả năng tăng sinh với số lượng lớn, đồng thời, cũng có khả năng tự làm mới (duy trì tính gốc của chính nó) và khả năng biệt hoá thành tế bào chức năng để thay thế các tế bào lão hoá hoặc tế bào tổn thương. Ngày nay, tế bào gốc trở thành một cơ sở khoa học giải thích cho khả năng con người có thể đạt được ước mơ “cải lão hoàn đồng”.

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2633676/
https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(04)16631-2/fulltext
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC40117/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15246731
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26316378