Người cao tuổi là thành phần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên các mạng xã hội hiện nay. Facebook đem lại cho họ cơ hội giao tiếp xã hội - điều vô cùng quan trọng cho tinh thần của họ khi sức khỏe không còn sung mãn.
Theo bước con cháu trên mạng xã hội
Khi Facebook ra đời vào năm 2004, những người lớn tuổi nhất của thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh đang chuẩn bị bước vào tuổi lục tuần. Các thành viên đầu tiên của thế hệ im lặng - thế hệ sinh vào thời kỳ khó khăn trước Chiến tranh thế giới thứ II (1920-1945) - cũng đã ngoài 80 tuổi. Rất dễ hiểu nếu bạn tin rằng ở tuổi đấy, “các cụ” sẽ lùi vào hậu trường và không còn vương vấn gì đến các ảnh động, biểu tượng mặt cười hay dòng trạng thái cập nhật của giới trẻ.
Thế nhưng, một nghiên cứu mới đây đã chứng minh quan điểm đó hoàn toàn sai lầm. Trong một điều tra xã hội học trên 350 người Mỹ trưởng thành ở tuổi từ 60-86, các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) nhận thấy người già cũng đang tận hưởng những thành quả công nghệ tưởng như chỉ thuộc về giới trẻ: Dùng Facebook để kết nối bạn bè và phát triển mối quan hệ với những người có chung quan điểm, tư tưởng và sở thích. Họ cũng luôn chăm chú dõi theo mọi động thái của con cháu và những người thân yêu của mình.
Nhiều người tham gia khảo sát cho biết việc xem ảnh và video của con
cháu là những điều hấp dẫn nhất của Facebook đối với họ, là động cơ lớn
nhất để người già dùng Facebook.
Các nghiên cứu đã chứng minh tuổi thọ của người Mỹ hiện đã cao hơn so với các thế hệ trước. Người cao tuổi là thành phần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên mạng xã hội hiện nay và cuộc sống trên mạng của họ bí ẩn hơn nhiều so với hình dung của thế hệ trẻ. Nhiều người trong số họ muốn tận hưởng tuổi già tại nhà thay vì đến viện dưỡng lão. Người già có khả năng sống độc lập sẽ cần học sử dụng các công cụ số để gắn bó hơn với xã hội và cho phép tiếp cận sự trợ giúp khi cần đến.
Những điểm mà Facebook khiến người già thích thú cũng trùng hợp đáng ngạc nhiên với lớp sinh viên đại học - vốn là chủ nhân đầu tiên của “mảnh đất ảo” này. Shyam Sundar - đồng giám đốc của phòng thí nghiệm nghiên cứu Hiệu ứng truyền thông, bang Pennsylvania - cho rằng, nhiều người tham gia khảo sát cho biết việc xem ảnh và video của con cháu là những điều hấp dẫn nhất của Facebook đối với họ, là động cơ lớn nhất để người già dùng Facebook.
Bên cạnh đó, khả năng bám sát diễn biến cuộc sống của con cháu mình cũng là một điểm hấp dẫn quan trọng. Việc người già theo bước con cháu trên mạng xã hội được các tác giả gọi bằng thuật ngữ “mạng xã hội giám sát” (social surveillance).
Không còn cô đơn
Trong số 350 người được đưa vào mẫu nghiên cứu có cả cha của nhà nghiên cứu trẻ Sundar Richard. Ông mới đưa con trai vào “mạng xã hội giám sát” của mình. Xét từ quan điểm nghiên cứu học thuật, ở tuổi 60, cha của Sundar đang ở thời kỳ đầu tiên của tuổi già. Và cũng như những người ở tuổi này, ông cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thật của mình.
Trong nhiều năm, cha của nhà nghiên cứu Sunder đã tỏ ra miễn nhiễm với mạng xã hội. Nhưng khi quay về nhà tại Indiana sau đám cưới của Sundar cách đây vài tháng, ông muốn giữ kết nối tốt hơn với gia đình và những người bạn mà ông còn nhớ được từ khi con cái còn bé.
Qua ứng dụng Facebook chat, ông kể với Sundar rằng cảm giác tò mò muốn biết những gì xảy ra với các mối quan hệ xung quanh chính là động lực để cuối cùng ông cũng học cách sử dụng Facebook.
“Ý tưởng bao trùm ở đây là cho người già một cơ hội giao tiếp xã hội
trong hoàn cảnh sức khỏe của họ không còn ở trạng thái sung mãn nữa. Hãy
tạo ra một cộng đồng hưu trí trên mạng ảo, nếu cần” - ông Sundar.
Giờ đây, cha của Sundar đã gắn chặt với Facebook. Ông rất vui vẻ, hạnh phúc khi gửi lời chúc mừng sinh nhật đến bạn bè của con, bình luận về các cập nhật trạng thái và chia sẻ các khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống của mình.
Ông vẫn bê nguyên một số thói quen “ngoại đạo” với mạng xã hội như ký tên dưới các comment nhưng ngày càng học được nhiều về mạng xã hội. Thậm chí, ông còn tham gia một nhóm trên Facebook dành cho những người yêu thích âm nhạc địa phương, chia sẻ các ký ức về buổi trình diễn âm nhạc yêu thích của ban nhạc The Beatles năm 1964 và ảnh chụp bộ trống của ông.
“Đầu tiên, việc cha tôi sử dụng một ứng dụng công nghệ vốn chỉ thuộc về thế hệ trẻ đã quen với máy tính được tôi xem là điều khá lạ lùng. Sau đó, có lẽ cũng giống như mọi người khác, nó khiến tôi chú ý bởi sự phổ biến rộng rãi và cách thức mà mạng xã hội đã thay đổi cuộc sống của khá nhiều người, theo nghĩa đen” - Sundar chia sẻ.
Trong bối cảnh Facebook đang ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của người Mỹ, những người già cũng đang tìm cách thích nghi với nó. Theo Sundar, càng cao tuổi, các mối tương tác thông qua chat, cập nhật trạng thái và bình luận trên mạng sẽ càng trở nên quan trọng. Do đó, Facebook cần điều chỉnh các công cụ của mình để phù hợp hơn với bộ phận người dùng lớn tuổi này.
“Ý tưởng bao trùm ở đây là cho người già một cơ hội giao tiếp xã hội trong hoàn cảnh sức khỏe của họ không còn ở trạng thái sung mãn nữa. Hãy tạo ra một cộng đồng hưu trí trên mạng ảo, nếu cần” - Sundar nhận định.