Cây đinh lăng được Hải Thượng Lãn Ông gọi là cây sâm của người nghèo. Ngày nay, rất nhiều người đang sử dụng cây dược liệu này. Vậy cây đinh lăng có những công dụng và tác hại gì? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc này.
1. Công dụng của cây đinh lăng
Rễ đinh lăng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lá cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể…
Theo nghiên cứu của GS. Ngô Ứng Long (học viện Quân y), rễ đinh lăng chứa rất nhiều chất saponin giống như ở nhân sâm, các vitamin B1, B2, B6, C và 20 acid amin cần thiết cho cơ thể. Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Hương (trung tâm sâm và dược liệu TPHCM), rễ đinh lăng có thể tăng cường thể lực, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.
Các nhà khoa học thấy rằng, đinh lăng Việt Nam có ít độc tính hơn sâm Triều Tiên và sâm Liên Xô. Chiết xuất từ đinh lăng đã được sử dụng để tăng cường sức khỏe cho các vận động viên và các nhà du hành vũ trụ. Từ lâu, Đông y đã sử dụng rễ đinh lăng để chữa nhiều bệnh như sưng vú, tắc tia sữa, mệt mỏi kém hoạt động, chân tay đau nhức, run tay chân…
2. Tác hại khi sử dụng đinh lăng không đúng cách
Dùng đinh lăng quá liều có thể gây mệt mỏi và nôn mửa. Ảnh minh họa.
Do thành phần Saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính huyết tán sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều và đúng cách. Loài cây này còn chứa chất Ancaloit, khi dùng nhiều sẽ dẫn đến hoa mắt chóng mặt. Sau đây là một số lời khuyên của bác sĩ y học cổ truyền.
- Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, vì sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3 – 5 tuổi trở lên.
- Người bị bệnh gan không nên sử dụng cây đinh lăng.
- Phụ nữ mang thai cũng không nên sử dụng.
- Người bệnh khi sử dụng cây đinh lăng cần hỏi ý kiến của thầy thuốc.