Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Khi dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì bệnh chân tay miệng cũng bắt đầu vào mùa, trở thành mối lo ngại đặc biệt đối với các phụ huynh có con nhỏ.
Theo Zing, mỗi tuần khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị cho khoảng 50-60 trẻ mắc chân tay miệng. Trong đó có một số ca với biện chứng nặng như giật mình, yếu tay chân, da nổi bông, khó thở… phải thở với máy. Để đề phòng bệnh không diễn biến nhanh lây lan thành dịch, những kiến thức về bệnh tay chân miệng và cách phòng chống bệnh lúc này là vô cùng cần thiết.
Bệnh có tên gọi tay chân miệng bởi biểu hiện chính là các mụn nước nổi chủ yếu ở các vùng này. Dấu hiệu nhận biết thường thấy là trẻ sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng… Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.
Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa, thường khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và cũng có thể xuất hiện ở mông. Một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác, gây loét khiến phụ huynh lầm tưởng là viêm loét miệng thông thường. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Hiện tại chưa có vắcxin phòng bệnh nên cách phòng chống hiệu quả nhất là chăm sóc trẻ thật tốt, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường sức để kháng, vệ sinh đồ chơi, nơi ở, trường học sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ mắc bệnh.
Đối với trẻ mắc bệnh, cũng chưa có thuốc đặc trị nên
điều trị chủ yếu qua chăm sóc bệnh nhân. Dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định bác sĩ; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Ngoài ra cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.