Khác với lầm tưởng của nhiều người, ung thư không còn là bản án tử hình; và trong cuộc chiến với căn bệnh quái ác này, kiến thức chính là mạng sống – nhóm tác giả bộ sách "Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư" khẳng định.

Trước mắt, bộ sách gồm 2 cuốn - Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân của TS.BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh; và Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư của nhiều tác giả.

fdsf
TS.BS Phạm Nguyên Quý (bìa phải hàng trên) và Trưởng nhóm biên tập Nguyễn Thị Hồng Trâm (bìa trái hàng dưới) tại buổi ra mắt sách trực tuyến chiều 17/4/2022. Ảnh: Chụp màn hình

Theo TS Phạm Nguyên Quý - bác sĩ ung thư nội khoa, Bệnh viện Kyoto, Nhật Bản - nhờ y học hiện đại, rất nhiều người đã vượt qua ung thư và sống mạnh khoẻ nhiều năm sau đó. “Đối với ung thư giai đoạn sớm, các phương pháp điều trị khoa học có thể giúp người bệnh cải thiện khả năng sống sót, như trong ung thư vú giai đoạn II là hơn 90%, và giai đoạn III là hơn 70%. Đối với một số loại ung thư khác, bệnh nhân giai đoạn IV vẫn có thể được chữa lành hoặc chung sống lâu ổn định với căn bệnh,” ông viết trong cuốn sách vừa ra mắt cuối tuần qua.

Nhưng sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hướng dẫn và giáo dục y khoa, tư vấn cho nhiều bệnh nhân ung thư, BS Quý - một trong những người sáng lập Tổ chức Y học cộng đồng - nhận ra một vấn đề lớn cần cải thiện tại cộng đồng là tình trạng thiếu kiến thức nền tảng về ứng phó với ung thư. Nhiều bệnh nhân ung thư vì thiếu hụt kiến thức cộng với tâm lý hoang mang, thường hay tìm lời khuyên từ những người xung quanh hoặc trên mạng, trong đó có nhiều lời khuyên phi khoa học, khiến người bệnh để mất “giai đoạn vàng” trong điều trị ung thư, mất đi cơ hội sống tốt hơn vì bệnh đã tiến sang giai đoạn khác.

Bởi vậy, BS Quý quyết định cùng một số thành viên thuộc Tổ chức Y học cộng đồng cho ra đời hai cuốn sách Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.

Trong đó, BS Quý cho biết, Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân bắt đầu bằng các lời khuyên về những việc cần làm khi nhận tin xấu mắc ung thư, tiếp theo cung cấp các hiểu biết về ung thư và các phương pháp điều trị để người bệnh có thể lựa chọn cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các tác giả còn đưa ra những lời khuyên liên quan đến chăm sóc giảm nhẹ, giúp cuộc sống của người bệnh thoải mái hơn. Ở phần cuối, cuốn sách kể lại câu chuyện của một số bệnh nhân tại Việt Nam và Nhật Bản đã chiến thắng căn bệnh ung thư như những ví dụ tham khảo xác thực, đồng thời truyền thêm nghị lực và sự kiên trì cho những ai đang điều trị ung thư.

Cùng viết cuốn sách này với BS Phạm Nguyên Quý là ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, hiện đang học thạc sĩ ngành Nghiên cứu ung thư và ung thư học chính xác tại Đại học Glasgow với học bổng Chevening.

“Cuốn sách đã bao quát hết những vấn đề cơ bản về ung thư và các phương pháp điều trị/chăm sóc mà người bệnh/người thân cần biết khi đối diện với căn bệnh quái ác này,” TS.BS Phạm Nguyên Tường - Phó giám đốc Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Trung ương Huế - nhận xét.

Về Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, Trưởng nhóm biên tập Nguyễn Thị Hồng Trâm - sinh viên năm 6 chuyên ngành Bác sĩ Y học dự phòng Đại học Y dược Huế - cho biết, cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản, được chắt lọc từ nhiều tài liệu uy tín, về dinh dưỡng và cách ứng phó khi người bệnh gặp các vấn đề về ăn uống trong quá trình điều trị và phục hồi sau điều trị,giải đáp những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm như bệnh nhân ung thư nên ăn hay kiêng những thức ăn nào.

Zczcvc
Hai cuốn sách đầu tiên trong bộ sách"Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư". Ảnh: Alpha Books

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách đầu tiên của bộ sách, nhóm tác giả quyết định tặng 150 bộ cho các bệnh viện, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng Tổ chức Y học cộng đồng trong thời gian qua và 100 bộ dành cho bệnh nhân nghèo cả nước.

Bộ sách do Tổ chức Y học cộng đồng kết hợp với Thương hiệu Sách và Tri thức y học Medinsights ấn hành. Dự kiến, tiếp theo, nhóm tác giả sẽ viết về vấn đề ung thư ở trẻ em.