Đi ngủ sớm lên một giờ có thể làm giảm 23% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nặng, theo một nghiên cứu di truyền mới của các nhà khoa học từ Đại học Colorado Boulder, Viện Broad của MIT và Harvard.

Phân tích dữ liệu của 850.000 người, nghiên cứu cho thấy một số bằng chứng về việc giờ đi ngủ của một người có ảnh hưởng đến nguy cơ trầm cảm.

Phát hiện này - đã được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry - có thể có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong thời gian đại dịch mọi người làm việc, học tập từ xa và nhiều người đi ngủ muộn hơn.

"Chúng ta đã biết từ lâu rằng có mối quan hệ giữa giờ ngủ và tâm trạng, nhưng một câu hỏi đặt ra là: Mọi người cần ngủ sớm hơn bao lâu để thấy được lợi ích?" tác giả chính Celine Vetter, nhà nghiên cứu sinh lý học tích hợp tại Đại học Colorado Boulder, nói. "Chúng tôi phát hiện, giờ đi ngủ sớm lên một tiếng liên quan đến nguy cơ trầm cảm thấp hơn đáng kể."

Theo các nghiên cứu quan sát trước đây, những người thức khuya có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người ngủ sớm và dậy sớm, cho dù khoảng thời gian ngủ là bằng nhau. Nhưng vì bản thân các chứng rối loạn tâm thần có thể làm gián đoạn giấc ngủ, các nhà nghiên cứu chưa thể giải mã mối quan hệ nhân quả giữa trầm cảm và giấc ngủ.


Để hiểu rõ hơn về việc thay đổi thời gian ngủ sớm hơn có thực sự giảm thiểu nguy cơ trầm cảm hay không, và cần sớm lên bao nhiêu, tác giả chính Iyas Daghlas đã xuất phát từ cơ sở dữ liệu của công ty xét nghiệm DNA 23andMe và cơ sở dữ liệu y sinh UK Biobank.

Hơn 340 biến thể di truyền phổ biến, bao gồm các biến thể trong "gen đồng hồ" PER2 (gen ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học trong ngày của một người, chẳng hạn như thời gian buồn ngủ nhất và thời gian tỉnh táo nhất) giải thích được 12-42% sở thích về thời gian ngủ của con người. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu di truyền của các biến thể này trên 850.000 cá nhân (85.000 người trong số đó có đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ và 250.000 người đã điền vào bảng câu hỏi về sở thích ngủ). Kết quả nghiên cứu đã cho họ một bức tranh chi tiết, tính đến từng giờ, về cách các biến thể trong gen ảnh hưởng đến việc khi nào chúng ta đi ngủ và thức dậy.

Các nhà nghiên cứu kết hợp thông tin này với một cơ sở dữ liệu khác bao gồm thông tin di truyền cùng với hồ sơ y tế, đơn thuốc ẩn danh và các cuộc khảo sát về chẩn đoán rối loạn trầm cảm nghiêm trọng. Sử dụng các kỹ thuật thống kê, họ đã trả lời câu hỏi: Những người có các biến thể di truyền khiến họ trở thành người dậy sớm có nguy cơ trầm cảm thấp hơn hay không?

Câu trả lời là có.

Điểm giữa của giấc ngủ (thời điểm giữa giờ đi ngủ và thức dậy) sớm hơn một giờ tương ứng với việc giảm 23% nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng.

Có nghĩa là nếu ai đó thường đi ngủ lúc 1 giờ sáng chuyển sang đi ngủ sớm lên 1 tiếng, lúc nửa đêm, và vẫn ngủ cùng một khoảng thời gian như cũ, họ có thể giảm 23% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Nếu người này đi ngủ lúc 11 giờ tối, họ có thể làm giảm nguy cơ khoảng 40%.

Đâu là lời giải thích hiệu ứng này?

Một số nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn trong ngày, điều mà những người dậy sớm dễ làm được, dẫn đến một loạt các tác động nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.


“Chúng ta đang sống trong một xã hội được thiết kế cho những người dậy sớm, và những người tỉnh táo vào buổi tối thường cảm thấy như thể họ luôn ở trạng thái sai lệch với đồng hồ xã hội đó", Daghlas nói.

Nguồn: