Trong 3 năm qua, khoảng 6.000 người Úc trung niên và cao tuổi đã bổ sung chất sắt, ăn nhiều rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, cố gắng hạn chế căng thẳng và luyện tập trí não bằng các bài tập trên máy tính - tất cả đều nhằm hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ.
Đây là một phần trong thử nghiệm lâm sàng mang tên "Duy trì bộ não" nhằm tìm hiểu liệu việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục và các yếu tố khác có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức của tuổi già - hoặc thậm chí ngăn ngừa các chứng sa sút trí tuệ, chẳng hạn như Alzheimer, hay không.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Tuy không ai có thể tránh bị suy giảm về sức khỏe thần kinh khi già đi, nhưng lối sống có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguy cơ phát triển các chứng sa sút trí tuệ. Năm ngoái, Ủy ban Lancet về ngăn ngừa, can thiệp và chăm sóc sa sút trí tuệ gồm các nhà khoa học và bác sĩ tâm thần quốc tế, đã ước tính những yếu tố lối sống, được gọi là yếu tố có thể điều chỉnh được, chiếm 40% trong nguy cơ sa sút trí tuệ.
Hoạt động thể chất, một yếu tố giúp lão hóa não khỏe mạnh, là một phần trong các thử nghiệm ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu chính xác cơ chế hoạt động của các yếu tố nguy cơ này, và đến nay đã xác định được một số cơ chế. Ví dụ, lười hoạt động thể chất có thể làm giảm khả năng nhận thức, vì tập thể dục kích thích sự hình thành các tế bào thần kinh mới và làm dịu chứng viêm não.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tập trung vào việc phát triển các loại thuốc để điều trị bệnh Alzheimer, nhưng sau khi một số ứng viên dược phẩm gần đây thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng, “tâm lý chung của cộng đồng nghiên cứu chuyển sang tập trung vào phòng bệnh”, bác sĩ thần kinh kiêm nhà dịch tễ học Kristine Yaffe tại Đại học California, San Francisco, cho biết. Một số nhà nghiên cứu kêu gọi các chính phủ tăng cường ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ bằng các biện pháp như tổ chức các chiến dịch y tế công cộng khuyến khích lối sống tốt.
Tác động tổng hợp của các yếu tố lối sống là rất mạnh, nhưng các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục rằng việc sửa đổi lối sống sẽ ảnh hưởng thế nào đến não. "Chúng ta chưa thể nói 'hãy làm việc A, B, C để không bị Alzheimer'", Yaffe nói.
Các thử nghiệm lớn, ngẫu nhiên, có đối chứng như "Duy trì bộ não" - gồm khoảng 30 thử nghiệm khác nhau - sẽ cung cấp bằng chứng ủng hộ các biện pháp can thiệp cụ thể. Nhưng những thử nghiệm như vậy rất tốn kém và hiếm có, đòi hỏi kéo dài nhiều năm mới có thể phát hiện tác động của lối sống lên một tình trạng thường "ẩn giấu" như chứng mất trí nhớ.
Thử nghiệm lối sống
Nghiên cứu duy nhất cho đến nay cho thấy một can thiệp riêng lẻ về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ là thử nghiệm "Đào tạo nâng cao nhận thức cho người cao tuổi", được thực hiện vào cuối những năm 1990. Một nhóm gần 700 người cao tuổi đã trải qua 6 tuần huấn luyện nhận thức để cải thiện tốc độ tư duy. Mười năm sau, họ có tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ thấp hơn 6% so với những nhóm đối chứng không được đào tạo.
Các nhà khoa học đang mong muốn xác định giá trị của các biện pháp can thiệp khác. Các nghiên cứu quan sát đến nay cũng cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải - tức ăn nhiều dầu ô liu, cá và ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít thịt đỏ và đường - cải thiện một số khía cạnh của nhận thức. Nhưng chưa có thử nghiệm lớn, ngẫu nhiên, có đối chứng nào kiểm tra tác dụng phòng ngừa của việc chuyển chế độ ăn - hoặc so sánh chế độ ăn Địa Trung Hải với các chế độ ăn khác, chẳng hạn như phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp (DASH). Một nghiên cứu kéo dài 3 năm kết thúc vào cuối năm nay, trị giá 14 triệu USD do Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ, sẽ đánh giá các chế độ ăn khác nhau ở 600 người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao. Đây có thể sẽ là “bằng chứng đầu tiên về việc thay đổi chế độ ăn uống có ngăn ngừa suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi hay không”, nhà tâm lý học thần kinh nhận thức Lisa Barnes thuộc Đại học Rush, nghiên cứu viên chính của nghiên cứu NIH, cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các thử nghiệm ngẫu nhiên chỉ tập trung vào một khía cạnh của lối sống đến nay đều không có kết quả. Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng các thử nghiệm nhiều khía cạnh lối sống, như "Duy trì bộ não", có cơ hội tìm thấy các tác dụng có ý nghĩa phòng bệnh cao hơn. Có nhiều lý do gây ra chứng sa sút trí tuệ, vì vậy việc phòng bệnh sẽ đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp can thiệp.
Một thử nghiệm ở Phần Lan, thực hiện vào năm 2009 - có tên Ngăn ngừa suy giảm nhận thức và khuyết tật Phần Lan (FINGER) - bao gồm 1.260 người ở độ tuổi 60 và 70 dễ bị sa sút trí tuệ vì các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp. Một nửa trong số họ tham gia một chương trình chuyên sâu giúp cải thiện chế độ ăn uống, sức khỏe tim mạch, trí tuệ và thói quen tập thể dục. Nhóm đối chứng chỉ được nhận lời khuyên về sức khỏe từ các y tá nhưng không được giúp đỡ khi thực hiện.
Kết quả, những người tham gia chương trình chuyên sâu đã cải thiện khả năng nhận thức của họ trong thời gian 2 năm nghiên cứu. “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh trên quy mô và phạm vi lớn rằng những biện pháp can thiệp tổng hợp về lối sống có thể ảnh hưởng đến nhận thức”, Heather Snyder, phó chủ tịch phụ trách các mối quan hệ y tế và khoa học của Hiệp hội Alzheimer, cho biết.
Hai nghiên cứu tương tự, được thực hiện ở Hà Lan và Pháp, cũng cho thấy lợi ích nhận thức ở một nhóm nhỏ những người có nguy cơ sa sút trí tuệ cao. Không ai biết tác dụng cải thiện nhận thức tồn tại trong bao lâu, hoặc liệu các biện pháp can thiệp có ngăn ngừa chứng mất trí nhớ hay không, nhưng việc theo dõi tiếp tục những người tham gia FINGER có thể sẽ cung cấp một số câu trả lời sau này.
Một nghiên cứu của Mỹ nhằm nhằm tái tạo kết quả của thử nghiệm FINGER với người Mỹ, vốn có tính chất đa dạng về chủng tộc và sắc tộc hơn so với Phần Lan. Thử nghiệm dự kiến kết thúc vào năm 2024 này sẽ kiểm tra xem lối sống của các đối tượng tham gia cải thiện tốt hơn không khi được giao một kế hoạch cụ thể hay khi được chủ động tự điều chỉnh. Nhà khoa học thần kinh nhận thức Laura Baker của Trường Y khoa Wake Forest, người đứng đầu thử nghiệm của Mỹ, cho biết: “Nếu chúng ta có thể tạo ra một chương trình bền vững, dễ dàng tiếp cận cho tất cả mọi người, thì đó sẽ là một thành công lớn."
Baker dự đoán, trong 10 năm tới, chúng ta sẽ biết, liệu các can thiệp về lối sống có hiệu quả hay không.
Nguồn: