Theo một nghiên cứu gần đây, tỉ lệ béo phì có thể sẽ tăng cao ở những nơi có ánh sáng nhân tạo chiếu suốt đêm.
Để khám phá mối liên hệ này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các hình ảnh vệ tinh của quân đội Mỹ về ánh sáng ban đêm trên thế giới và dữ liệu từng vùng từ Tổ chức Y tế Thế giới về phân bố người thừa cân và béo phì.
Theo đó, ánh sáng nhân tạo ban đêm sẽ góp phần gây tăng cân ở cả nam và nữ giới, tương tự như ăn thức ăn nhanh.
Lý do là vì ánh sáng nhân tạo khiến con người mất cảm giác về thời gian và thường ăn sai thời điểm, nhất là khi sau hoàng hôn, quá trình trao đổi chất đã chậm lại.
Ánh sáng nhân tạo được cho là một nguyên nhân dẫn tới béo phì.
Ánh đèn không gây ra béo phì và khoa học vẫn chưa chắc chắn rằng ánh đèn và ánh sáng từ các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng ra sao tới cân nặng con người. Tuy nhiên, ánh sáng nhân tạo có thể góp phần gây tăng cân vì nó làm giảm sản xuất melatonin, một loại hoocmon giúp điều hòa chu kỳ giấc ngủ.
Ánh sáng nhân tạo còn có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp sinh học, tình trạng nhịp sinh học của cơ thể bị gián đoạn khiến con người thức ngủ vào những thời điểm mâu thuẫn với đồng hồ sinh học của cơ thể.
Quá trình đô thị hóa cùng sự hấp thu ngày càng nhiều dầu mỡ, tinh bột cũng sẽ gây béo phì. Cùng với các yếu tố khác như thói quen ăn uống, mức độ tập luyện, ánh sáng ban đêm đóng góp 73% lý do cho việc tăng cân quá mức ở phụ nữ và 68% ở nam giới.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh sự phân bổ người thừa cân, béo phì theo mức độ ánh sáng ở địa phương. Họ nhận thấy rằng tỉ lệ béo phì tăng lên cùng với cường độ ánh sáng. Tỉ lệ cao nhất là 250% ở hầu hết các nước và 900% ở châu Á.
Theo những nhà khoa học, ánh sáng quá mức vào ban đêm đi kèm với sự rối loạn chuyển hóa tích lũy dần dần. Cho nên việc cố gắng giữ một thời khóa biểu ngủ đúng giờ, tránh ánh sáng ban đêm là điều cần thiết.
Theo Pháp luật TPHCM