Việc tiêm leptin vào não từng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt của công nghệ giảm béo; nhưng liệu pháp gene mà các nhà khoa học Mỹ đang phát triển mới thật sự an toàn và có tương lai.

Tìm ra leptin - bước đột phá về giảm béo?

Công nghệ giảm cân trên thế giới đã tiến những bước dài, mà việc Đại học Rockefeller (Mỹ) phát hiện vai trò của leptin năm 1994 là một điểm nhấn.

Theo GS Robert H. Lustig thuộc Đại học Califorinia - thành viên Hội Nội tiết chuyên về béo phì của Mỹ - leptin là hormone liên quan đến cảm giác đói của con người. Nó có trong tế bào mỡ, di chuyển trong hệ tuần hoàn và đi tới não bộ để gửi thông điệp về việc cơ thể bạn đã tích trữ đủ năng lượng trong tế bào mỡ hay chưa.

Công nghệ của tương lai sẽ giúp con người dễ dàng có được thân hình lý tưởng? Ảnh: Dietdoctor
Công nghệ của tương lai sẽ giúp con người dễ dàng có được thân hình lý tưởng? Ảnh: Dietdoctor

Dựa vào phát hiện này, các nhà khoa học đã đưa ra khá nhiều phương thức giảm béo. Tuy nhiên, đáng tiếc là cách giảm béo dựa vào việc điều chỉnh hàm lượng leptin trong cơ thể chỉ áp dụng được với trường hợp cơ thể không thể tự sản xuất leptin. Do đó, não bộ không nhận được tín hiệu báo đã đủ năng lượng để ngừng ăn, dẫn tới tình trạng ăn vô tội vạ và bị béo phì.
Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học bang Oregon và Đại học Florida, Mỹ, leptin có tác dụng hỗ trợ giảm cân và ngăn loãng xương - tác dụng phụ khó tránh của việc ăn kiêng giảm béo và sau đó tăng cân trở lại. Trong nghiên cứu này, những con chuột được tiêm leptin vào vùng dưới đồi trong não đã giảm 20% trọng lượng cơ thể nhưng không chịu bất kỳ tổn hại nào về xương.

“Tiêm leptin vào vùng dưới đồi để kiểm soát cân nặng là cách mà chúng tôi tin rằng có thể giúp kiềm chế tình trạng tăng cân” - Urszula Iwaniec - Giáo sư danh dự tại Đại học bang Oregon - cho biết.

Tuy nhiên, liệu pháp này có thể dẫn tới nhiều rủi ro khó lường trước. Ông Russell Turner - một thành viên khác của nhóm nghiên cứu - cho rằng: “Liệu pháp này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật chữa béo phì, nhưng ảnh hưởng của nó có thể kéo dài cả đời và ẩn chứa nhiều yếu tố cực đoan”.

Ngoài ra, chất béo trong cơ thể càng nhiều thì lượng leptin được sản sinh càng lớn, gây tình trạng kháng leptin. Khi đó, não bạn sẽ trở nên thờ ơ với thông điệp của leptin nên vẫn phát ra tín hiệu “đòi ăn”, trong khi các tế bào mỡ cố gắng một cách vô vọng để báo cho não rằng “mình đã ăn đủ”.

Tác động vào gene để giảm cân nặng

Một nhóm đông đảo các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu về tác động của gene tới việc giảm và tăng cân. Họ đến từ Viện Ung thư quốc gia Mỹ, Viện Máu và Phổi quốc gia Mỹ, Viện Nghiên cứu về béo phì, tiêu hoá cùng các bệnh về thận, Cơ quan Nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và hành vi Mỹ.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Molly Bray, họ đã xác định được một số yếu tố gene có thể ảnh hưởng tới quá trình giảm cân. Chẳng hạn, mỗi người có một loại gene khác nhau nên các cá nhân nhất định cần có cách giảm cân khác nhau. Một số người dễ dàng giảm cân thông qua ăn kiêng và tập thể dục, nhưng một số người khác lại chỉ có thể giảm cân thông qua phẫu thuật.

Một số gene nhất định khiến chúng ta thích ăn những thực phẩm cung cấp nhiều calo, trong khi một số gene khác giúp chúng ta dễ dàng tuân theo các kế hoạch tập luyện giảm cân hơn so với người khác. Với không ít người, các phương thức giảm cân chỉ tác động tới vài khu vực nhất định chứ không khiến trọng lượng cơ thể giảm.

Một phát hiện nữa của nhóm nghiên cứu là đôi khi môi trường sống khiến một số gene trong cơ thể chúng ta trở nên năng động hoặc bớt năng động hơn và điều này cũng ảnh hưởng tới công cuộc giảm cân.

Theo Giáo sư Bray, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng này sẽ giúp đưa ra những phương pháp điều trị béo phì riêng, phù hợp cho từng cá nhân. Các thiết bị đeo tay, không xâm lấn sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu thập thông tin về gene, thông tin về chế độ ăn uống, hoạt động, stress… Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

“Trong vòng 5 năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến việc mọi người thu thập thông tin về gene, về hành vi ứng xử và những dữ liệu phức tạp khác để đưa ra các kế hoạch quản lý cân nặng của bản thân” - bà Bray cho hay.

Dù đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm béo với nhiều phát hiện khoa học được công bố và ứng dụng, nhưng công cuộc kiểm soát cân nặng vẫn còn là cuộc chiến cam go chưa biết bao giờ mới chấm dứt khi tỷ lệ béo phì trên thế giới đang tăng lên từng ngày.

Các nhà khoa học cho biết ngoài việc chuyển tín hiệu của tế bào mỡ lên não để điều chỉnh cảm giác đói, hormone leptin còn có rất nhiều tính năng đang được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Một vài chuyên gia cho rằng leptin có vai trò trong việc bảo vệ trái tim khoẻ mạnh bởi hiện tượng sưng mạn tính ở những người mắc các bệnh về động mạch vành là do thiếu leptin. Hormone này cũng có mối liên hệ tới một số bệnh ung thư như ung thư da hay ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ.