Nghiên cứu mới dựa trên các dữ liệu thu thập thông qua ứng dụng điện thoại giúp các nhà khoa học của Đại học Michigan (Mỹ) đưa ra kết luận này. Ứng dụng theo dõi thói quen ngủ của người dùng trên khắp thế giới, cho biết độ tuổi, giới tính và lượng ánh sáng tự nhiên một người tiếp xúc ảnh hưởng thế nào tới giấc ngủ ở 100 nước. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của áp lực văn hóa với đồng hồ sinh học.
|
Áp lực xã hội khiến nhiều người thiếu ngủ. Ảnh: Sleep. |
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances số thứ 6 (6/5) chỉ ra rằng: "Chúng tôi phát hiện ra áp lực xã hội làm yếu hoặc che lấp bản năng sinh học vào buổi tối, khiến các cá nhân đi ngủ muộn hơn và cắt giảm thời gian ngủ".
Nam giới trung niên có thời gian ngủ ít nhất, thấp hơn so với thời gian tiêu chuẩn (7-8 tiếng một ngày). Độ tuổi là nhân tố chính quyết định thời lượng giấc ngủ.
Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu thu thập từ ứng dụng Entrain, được đưa ra năm 2014 để giúp người dùng giảm cảm giác mệt mỏi sau bay. Các nhà khoa học đã đề nghị khoảng 6.000 người từ 15 tuổi trở lên trên khắp thế giới cung cấp thông tin về giấc ngủ, lúc tỉnh giấc và điều kiện ánh sáng. Người dùng ứng dụng cũng có thể nhập thông tin về độ tuổi, giới tính, quốc gia và múi giờ.
|
Thiếu ngủ làm giảm khả năng nhận thức và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ảnh: Indianewshour. |
Giấc ngủ do đồng hồ sinh học của cơ thể chi phối. Đây là tổ hợp 20.000 tế bào thần kinh có kích cỡ bằng một hạt gạo nằm ngay sau mắt, thay đổi theo lượng ánh sáng nhận được, nhất là ánh sáng tự nhiên.
Theo nghiên cứu, thời gian ngủ trung bình dao động từ mức thấp nhất là 7 tiếng 24 phút ở Singapore và Nhật Bản, tới mức cao nhất là 8 tiếng 12 phút ở Hà Lan. Sự khác biệt 48 phút có vẻ không nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chỉ cần thiếu ngủ nửa tiếng cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới chức năng nhận thức và sức khỏe của con người.
Những người bị thiếu ngủ sẽ giảm khả năng nhận thức mà không hề hay biết. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ngủ không đủ giấc gây ảnh hưởng tức thì và nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 3 người Mỹ trưởng thành thì có một người không ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng mỗi ngày. Việc thiếu ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh tim mạch.
Nghiên cứu mới cho thấy trung bình phụ nữ thường ngủ lâu hơn nam giới 30 phút nhờ đi ngủ sớm hơn và dậy muộn hơn, những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên hàng ngày thường đi ngủ sớm hơn.