Vaccine vẫn có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do BA.2, biến thể phụ của Omicron. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chống nhiễm bệnh nói chung đã giảm mạnh.

Ở nhiều nơi trên thế giới, biến thể phụ của Omicron, BA.2, đang thay thế phiên bản Omicron ban đầu, BA.1, để trở thành biến thể SARS-CoV-2 chiếm ưu thế. BA.1 né tránh được phần lớn khả năng bảo vệ chống bệnh nhẹ đến trung bình mà vaccine mRNA tạo ra. BA.2 lây nhanh hơn BA.1, nhưng vẫn chưa rõ liệu biến thể phụ mới né tránh vaccine như thế nào.

Một nghiên cứu mới, công bố ngày 13/3 trên medRxiv, cho thấy vaccine mRNA vẫn có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do BA.2 gây ra, tuy nhiên khả năng chống nhiễm virus và chống phát triển bệnh có triệu chứng (nhẹ và trung bình) giảm mạnh.

Hai liều vaccine mRNA do Pfizer – BioNTech sản xuất cung vẫn có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do BA.2, biến thể phụ của Omicron. Tuy nhiên khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng đã giảm mạnh.

Laith Abu-Raddad, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Viện Weill Cornell Medicine Qatar và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu quan sát quy mô lớn, sử dụng hồ sơ tiêm chủng và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 từ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Qatar.

Kết quả, trong vài tháng đầu sau khi tiêm mũi thứ hai, vaccine bảo vệ đáng kể chống lại bệnh có triệu chứng do BA.1 hoặc BA.2. Nhưng sau 4-6 tháng, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng giảm xuống chỉ còn khoảng 10%. (Nếu số ca nhiễm sẽ xảy ra khi tất cả mọi người đều chưa tiêm chủng là 100%, thì vaccine chỉ ngăn ngừa được 10% trong số này, 90% còn lại sẽ nhiễm bệnh.)

Mũi tiêm thứ ba giúp khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng tăng trở lại 30–60%.

Dữ liệu khác, thu thập ở Vương quốc Anh, cho thấy xu hướng tương tự: từ 25 tuần trở lên sau mũi tiêm thứ hai, hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng do BA.1 hoặc BA.2 chỉ còn dưới 20%, nhưng tăng lên khoảng 70% sau mũi thứ ba.

Các nhà nghiên cứu ở Qatar cũng phân tích khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng. Kết quả, khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng duy trì ở mức 68% hoặc cao hơn trong ít nhất 7 tháng ở những người chỉ tiêm hai mũi vaccine, và duy trì ở mức hơn 80% ở những người tiêm ba mũi. Abu-Raddad cho rằng vaccine vẫn có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng đối với biến thể phụ BA.2.

Nghiên cứu ở Qatar chưa được bình duyệt. Tuy nhiên theo nhà virus học Andrew Pekosz tại Đại học Johns Hopkins, công trình này là “một nghiên cứu rất đúng đắn. Qatar luôn là nơi dẫn đầu trong việc báo cáo dữ liệu về hiệu quả của vaccine COVID-19". Pekosz nói thêm rằng kết quả nhấn mạnh tầm quan trọng của mũi thứ ba tăng cường. “Tiêm hai mũi không còn đủ nữa, cần phải có kế hoạch tiêm nhắc lại một cách hiệu quả," Pekosz viết.

Abu-Raddad lưu ý không nên thiết kế vaccine chống lại các biến thể đơn lẻ để tiêm tăng cường, thay vào đó vẫn nên tập trung vào vaccine chống lại mọi biến thể, vì đây là giải pháp cơ bản hơn cho tương lai khi virus tiếp tục tiến hóa.

Nguồn: