Từ lâu con người đã bị ám ảnh với sự sống và cái chết. Với phương Tây, đó là Suối nguồn Tươi trẻ với ước nguyện kéo dài thanh xuân. Với phương Đông, đó là mong muốn cải lão hoàn đồng. Tác giả của cuốn sách “Chế độ ăn trường thọ”, TS Valter Longo, cũng không nằm ngoài ước vọng ấy.
Ngay từ khi còn là một thiếu niên, TS Longo đã bị lĩnh vực này thu hút. Ông càng quan tâm đến lĩnh vực này hơn khi chứng kiến con người hiện đại, dưới áp lực của nhịp sống gấp gáp, chế độ ăn uống không lành mạnh, mắc một loạt các bệnh mạn tính, hay thậm chí luôn than phiền về lão hóa khi mới ngoài 30. Sau này, khi đã là giám đốc của Học viện Nghiên cứu Tuổi thọ thuộc Đại học Nam California, TS Longo luôn mang theo một quan niệm tiến bộ và đúng đắn: Mục tiêu cải thiện tuổi thọ không chỉ nằm ở số tuổi tăng dần sau mỗi năm, mà là chất lượng cuộc sống. Hay nói cách khác, chúng ta nên và có thể “sống lâu hơn một cách khỏe mạnh”.
Theo quan điểm lâu nay, sống lâu gắn liền với quá trình suy giảm của tế bào và các cơ quan, cũng như liên quan đến hàng loạt bệnh mạn tính. Nhưng những kết quả nghiên cứu trong nhiều thập niên trên động vật và con người, trên cấp độ tế bào, cá thể hay cộng đồng đã đưa đến một kết luận theo hướng mới, rằng con người có thể khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường, ngay cả khi đã vào độ tuổi cổ lai hy.
Vậy điều gì khiến con người hiện đại sớm có các dấu hiệu lão hóa và bệnh tật? Phải nhắc lại một lần nữa, nguyên nhân chủ yếu đến từ chế độ ăn bất hợp lý, gồm quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo hydro hóa hay chất béo dạng trans; quá nhiều đường tinh luyện; quá nhiều protein động vật; trong khi đó lại thiếu hụt nhiều dưỡng chất cần thiết. Chính chế độ ăn bất hợp lý như vậy là nguyên nhân làm bất hoạt các gen có vai trò kiểm soát sự bảo vệ và tái tạo tế bào, dẫn đến một loạt các hậu quả như chúng ta đang chứng kiến ở những người cao tuổi và cũng rất có thể là chính bản thân mình, nếu chúng ta không làm điều gì đó để ngăn cản tình trạng ấy.
Ở đây, câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi. Nếu chế độ ăn là nguyên nhân gây ra thực trạng này, thì chính chế độ ăn là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Nếu chế độ ăn không phù hợp làm tiêu tan khả năng tự tái tạo bẩm sinh của cơ thể, thì một chế độ ăn hợp lý có thể làm điều ngược lại. Hàm lượng năng lượng thấp, chất béo cao, ít carbohydrat trong các bữa ăn khiến cơ thể tạo ra năng lượng từ quá trình tân tạo đường (được gọi là gluconeogenesis) từ các nguồn không phải carbohydrat sau khi nguồn dự trữ glycogen cạn kiệt. Câu trả lời của TS Longo là FMD – fasting-mimicking diet – hay ở đây được tạm dịch là chế độ nhịn ăn không hoàn toàn.
Đúng như tên gọi, nền tảng của FMD là khiến cơ thể tin rằng bản thân đang nhịn ăn. Nhịn ăn định kỳ đã phổ biến từ lâu trong rất nhiều tôn giáo, từ Cơ đốc giáo, Hồi giáo, cho đến đạo Hindu. Giờ đây, qua các phương pháp khoa học, nó đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt tế bào gốc, qua đó thúc đẩy quá trình tái tạo, đồng thời phá hủy các thành phần hư hại bên trong tế bào cũng như các tế bào đã bị tổn thương. Tuy nhiên, nhịn ăn đơn thuần cũng có những mặt hạn chế: khó thực hiện, khiến cơ thể tiều tụy... Bằng cách đánh lừa cơ thể, chúng ta có thể quay ngược đồng hồ lão hóa sinh học mà không phải chịu cảm giác đói và mệt mỏi của biện pháp nhịn ăn.
Cụ thể hơn, TS Longo, với những nghiên cứu của mình, dựa trên những thực phẩm có lợi cho sức khỏe và được những người “trường thọ sử dụng”, đã gợi ý cho độc giả thực đơn hai tuần để giúp chúng ta hiện thực hóa ước mơ có được một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh.
Tác giả có lưu ý rằng FMD chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để tiến hành thử nghiệm lâm sàng diện rộng hoặc hướng dẫn trong dinh dưỡng điều trị dành cho các bệnh, đồng thời khuyến nghị về FMD cần được các chuyên gia y tế như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng đưa ra chỉ dẫn cụ thể với những người ăn kiêng hoặc với người bệnh.
Tuy vậy, Chế độ ăn trường thọ (The Longevity Diet) là một cuốn sách có giá trị. Giá trị ấy nằm ở những tác động tích cực của nó lên sức khỏe; ở nền tảng khoa học, như cách gọi của tác giả là Năm Trụ cột của Trường thọ, bao gồm: nghiên cứu cơ bản/nghiên cứu về tuổi trẻ; dịch tễ học; nghiên cứu lâm sàng; nghiên cứu về những người sống trăm tuổi; và nghiên cứu về các hệ thống phức tạp. Giá trị còn nằm ở tâm huyết của TS Longo với sự phát triển của khoa học, được thể hiện qua việc ông dành toàn bộ tiền bản quyền của cuốn sách để tài trợ cho các nghiên cứu trong tương lai.
Tác giả Valter Longo là giám đốc Viện Trường thọ tại USC - Los Angeles, và Chương trình về tuổi thọ và ung thư tại IFOM (Viện FIRC về ung thư phân tử) ở Milan. Các nghiên cứu của ông tập trung vào các cơ chế cơ bản của quá trình lão hóa ở các sinh vật đơn giản và cách chúng có thể dịch chuyển sang người. Ông đã nhận được Giải thưởng Bài giảng Đột phá Nathan năm 2010 từ Viện Quốc gia về Lão hóa (NIA / NIH) và Giải thưởng Vincent Cristofalo “Ngôi sao đang lên” năm 2013 với Nghiên cứu Lão hóa từ Liên đoàn Nghiên cứu Lão hóa Hoa Kỳ (AFAR).