Trong 10 năm qua, số trẻ tự kỷ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tăng 26 lần, có giai đoạn đến hàng trăm lần.

Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây tỷ lệ này là một trên 1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên một trên 68, châu Phi là một trên 37. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 160 người thì có một người tự kỷ.

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ.Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ.Nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

canh-bao-gia-tang-tre-mac-hoi-chung-tu-ky

Phát hiện sớm và can thiệp sớm giúp trẻ mắc chứng tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: H.A.

Chia sẻ tại hội thảo tự kỷ ở Việt Nam- hiện trạng và thách thức diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4, phó giáo sư Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cũng cho thấy thực tế này. Số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó. Xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.

“Sự gia tăng trẻ tự kỷ làm chúng ta giật mình nhưng rất tiếc đó là sự thật. Sự thật đang xảy ra với chính Việt Nam đặc biệt trong 10 năm gần đây, số trẻ tự kỷ đến khám để được xác nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương không phải tăng con số 10, 20 lần mà 26, thậm chí hàng trăm lần tùy từng giai đoạn. Nói như vậy, để thấy rằng số người mắc chứng tự kỷ có thể nhiều hơn con số 200.000 được thống kê hiện nay”, phó giáo sư Mục nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, tự kỷ là một phổ rộng, từ rất nặng đến rất nhẹ, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa; chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhưng ở nhiều nơi mọi người còn chưa biết nhiều về tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ. Hiện tại chưa có nhiều nơi có thể chẩn đoán được tự kỷ. Việt Nam cũng rất ít trung tâm dành cho trẻ tự kỷ lớn.

Hiện Bộ Giáo dục triển khai 3 mô hình giành cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng gồm: chuyên biệt, hòa nhập và hội nhập. Trong đó, mô hình chuyên biệt qua thực tế cho thấy là không khả thi, trẻ mắc tự kỷ chỉ cần sự chăm sóc đặc biệt trong những khoảng thời gian nhất định còn lại phải để các em được hòa đồng, giao lưu với các bạn khác. Giáo dục hòa nhập hiện là xu thế trên toàn thế giới, trẻ được tham gia môi trường tốt nhất để phát huy hết khả năng của mình. Tuy nhiên để thực hiện được có hiệu quả thì yêu cầu chuyên môn của người giáo viên rất cao, trong khi hiện tại đa phần các thầy cô chưa được đào tạo hoặc biết chút ít.

Thực tế, hầu như chưa có bác sĩ, chuyên gia nào được đào tạo chính quy từ trường y về tự kỷ. Tất cả các bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý… đang làm việc với trẻ tự kỷ đều tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do các tổ chức hoặc bệnh viện nước ngoài tài trợ. Cha mẹ là lực lượng then chốt nhất, góp phần lớn thành công cho sự can thiệp nhưng họ không có chuyên môn, kinh nghiệm, không đủ thời gian và tiền của để theo đuổi một quá trình lâu dài.

Hiện còn nhiều người hiểu sai về tự kỷ, cho rằng nguyên do là cha mẹ không biết dạy, mải làm ăn, bỏ bê trẻ cho người giúp việc, xem ti vi nhiều. Có người còn cho trẻ tự kỷ là hung dữ và nguy hiểm hoặc chỉ là trạng thái thích một mình, không đáng ngại, tự kỷ có thể chữa được... Những thông tin này làm cản trở việc hòa nhập của trẻ và tổn thương cho cha mẹ.

Ngày 2/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ,mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này.Tự kỷ là một hội chứng có sự rối loạn về phát triển trong đó việc sử dụng ngôn ngữ, phản ứng với kích thích, tương tác với thế giới và cách thiết lập các mối quan hệ không đồng nhất và theo những cách bất thường. Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời.