Các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố đã thành công trong việc tạo ra những con khỉ có hành vi tự kỷ giống trẻ em mắc hội chứng MeCP2 trùng lặp.

Những con khỉ mắc bệnh tự kỷ gây tranh cãi.
Những con khỉ mắc bệnh tự kỷ gây tranh cãi.

Họ đã cấy một gene của con người có tên MeCP2 vào hệ gene của khỉ thí nghiệm, khiến chúng xuất hiện những triệu chứng thường gặp ở trẻ tự kỷ như chuyển động lặp đi lặp lại, lo lắng và giảm tương tác xã hội.

Nhóm tác giả cho biết, họ sẽ tập trung nghiên cứu những con khỉ có khả năng vượt qua thử thách kể trên, giảm được các triệu chứng liên quan đến bệnh tự kỷ cho chính mình và cho con cái.

Các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng những con khỉ này có thể cung cấp cho họ cơ hội nghiên cứu sự di truyền của bệnh tự kỷ theo cách tốt hơn rất nhiều so với các phương pháp trong quá khứ. Họ cũng cho rằng đó sẽ là chìa khóa giúp tìm được phương pháp hiệu quả chữa trị căn bệnh tự kỷ ở con người.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến nghi ngờ lợi ích của việc sử dụng các loài linh trưởng để tạo ra mô hình về sự rối loạn não bộ con người. Họ cho rằng không giống như những đứa trẻ mắc hội chứng MeCP2 trùng lặp, khỉ thí nghiệm không bị chậm phát triển một cách nặng nề, trong khi chi phí cho việc tạo ra những con khỉ biến đổi gene này là rất cao.

Hilde Van Esch - một nhà di truyền học tại Đại học Leuven, Bỉ, người chuyên nghiên cứu hội chứng MeCP2 trùng lặp - bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng không nên đặt nhiều kỳ vọng ở phương pháp nghiên cứu này. Nhiều trẻ em mắc hội chứng trùng lặp MeCP2 có những biểu hiện rõ ràng như sự chậm phát triển, co giật, không thể đi bộ mà không có sự trợ giúp... Trong khi đó, những con khỉ biến đổi gene trong nghiên cứu trên không có biểu hiện như vậy. Theo tôi, rất khó dùng những con khỉ đó để nghiên cứu căn bệnh này”.

Cùng quan điểm trên, ông Huda Zoghbi - Giám đốc của Viện Nghiên cứu thần kinh Jan và Duncan Dan thuộc Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ) - cho rằng, biểu hiện của những con khỉ biến đổi gene không đặc trưng cho hội chứng trùng lặp MeCP2 ở người. “Những con khỉ không thể biểu hiện được các rối loạn nhân bản như ở con người. Việc sử dụng khỉ để nghiên cứu bệnh tự kỷ không có ý nghĩa” - ông Zoghbi nói.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, mặc dù khỉ là mô hình không hoàn hảo nhưng ít ra việc sử dụng chúng cũng tốt hơn so với những con vật được thí nghiệm khác như chuột... “Ít nhất nó cũng có thể biểu hiện một vài hành vi, triệu chứng tự kỷ ở người, giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu hội chứng MeCP2 trùng lặp” - Alysson Muotri, một nhà nghiên cứu về phát triển não bộ người tại Đại học California - San Diego (Mỹ) - nêu quan điểm.