Đậu ngự rất giàu đạm, ít béo, nhiều chất xơ, vitamin nhóm B, sắt, inositol, potasium và calories nên rất tốt cho tim mạch, giúp cải thiện triệu chứng suy nhược trí nhớ, giảm hoạt động các tác nhân gây ung thư, tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu…

Cây đậu ngự con. Ảnh minh họa.
Cây đậu ngự con. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây đậu ngự. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Đất trồng

Đậu ngự có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Kỹ thuật làm đất gieo hạt cũng tương tự như đối với các loại đậu đỗ khác sau khi làm đất kỹ, lên luống cao 30cm, rộng 60cm, rãnh rộng 30cm. Trên luống trồng 1 hàng, các cây cách nhau 30 - 40 cm.

Nên bón lót với vôi, phân chuồng rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Cây đậu ngự bắt đầu ra quả. Ảnh minh họa.
Cây đậu ngự bắt đầu ra quả. Ảnh minh họa.

2. Chọn giống và trồng cây

Đậu ngự thường được nhân giống bằng hạt. Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống hoặc siêu thị gần nhà.

Ngâm hạt giống đậu ngự trong nước ấm 30 phút (nhiệt độ từ 50 - 52 độ C) và ủ vào khăn ấm khoảng 1 ngày hạt nứt thì đem gieo.

Gieo hạt với khoảng cách 1,5 - 2m nếu diện tích sân thượng hoặc ban công rộng. Trong mỗi chậu gieo từ 3 - 5 hạt. Sau khi gieo hạt xong thì phủ lên lớp đất mỏng từ 1 - 2cm. Tưới bằng vòi phun nhẹ. Che phủ kín lớp hạt mới gieo khoảng 2 ngày. Tưới ngày 2 lần.

Bạn có thể bỏ qua bước ngâm ủ và gieo hạt trực tiếp. Tuy nhiên tỷ lệ nảy mầm sẽ thấp và cây lâu nảy mầm hơn.

Hạt đậu ngự khô. Ảnh minh họa.
Hạt đậu ngự khô. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Nguyên tắc tưới cho cây đậu ngự là đất ẩm nhưng không mất độ thoáng, xốp của đất vì vậy nên tưới nước theo kiểu tưới rãnh là tốt nhất Vào mùa mưa chú ý tháo nước không để ngập, đọng nước sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phải triển của cây. Ở những vùng có sương muối phải che chống cho cây.

Khi cây được khoảng 10 ngày tuổi thì tỉa bớt các cây còi, để lại mỗi thùng xốp 2 - 3 cây.

Ở giai đoạn cây được 15 ngày tuổi, bón lót cho cây bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê, phân gà… Cứ 20 - 30 ngày tiến hành bón 1 đợt.

Cây đậu ngự phát triển rất nhanh sau khi nẩy mầm có thể đạt độ cao 20cm trong vài tuần nên làm cỏ xới xáo và vun cần tiến hành sớm. Khi cây cao 50cm phải làm giàn ngay để cây leo bám và phát triển tốt.

Khi cây bắt đầu ra tua cuốn là thời điểm cần phải làm giàn cho cây leo. Bạn có thể làm giàn chữ A hoặc làm giàn như giàn bầu, đậu cove… Sau khi cây ra hoa, nên tưới nước vào rễ chứ không tưới trực tiếp vào hoa.

Chè đậu ngự. Ảnh minh họa.
Chè đậu ngự. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Hạt đậu ngự khô thường được sử dụng để xào, nấu chè, làm bánh… Khi vỏ quả bắt đầu khô là bạn có thể hái, tách vỏ rồi phơi lại cho khô rồi bảo quản.