Lần đầu tiên có một nghiên phân tích tổng hợp xem xét vai trò của việc người cha uống rượu đến sức khỏe của đứa trẻ sẽ được sinh ra trong tương lai.


Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí European Journal of Preventive Cardiology của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC), các bậc cha mẹ nên tránh uống rượu trước khi thụ thai để chống lại các khuyết tật tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Đối với các ông bố, việc uống rượu bia trong vòng 3 tháng trước khi thụ thai có mối liên hệ với nguy cơ con bị dị tật tim bẩm sinh cao hơn 44% so với không uống.

Nếu các bà mẹ uống rượu bia trong khoảng 3 tháng trước thời điểm mang thai hoặc trong 3 tháng đầu thai kỳ thì con bị dị tật tim bẩm sinh tăng thêm là 16% so với không uống.

Trong trường hợp uống rượu thỏa thích (tối thiểu 5 ly một lần), khả năng dị tật bẩm sinh của con lên lần lượt là 52% và 16%.

Những người sẽ làm cha mẹ nếu uống rượu thỏa thích sẽ không chỉ làm tăng khả năng dị tật tim của con cái mà còn gây tổn hại lớn đến sức khỏe của chính họ”, tác giả của nghiên cứu, TS. Jiabi Qin của Trường Y tế Công cộng Xiangya, Đại học Trung Nam, Trung Quốc, cho biết.

Từ kết quả nghiên cứu, ông cũng đưa ra cảnh báo rằng khi các cặp đôi đang cố gắng có con, người chồng không nên uống rượu ít nhất 6 tháng trước khi thụ tinh, phụ nữ nên ngừng uống rượu trước 1 năm và tránh uống rượu khi đang mang thai.

Bệnh tim bẩm sinh là dị tật phổ biến nhất thế giới khi sinh, có khoảng 1,35 triệu trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng mỗi năm. Tình trạng sức khỏe trên có thể gia tăng khả năng mắc các bệnh liên quan đến tim mạch sau này ngay cả khi đã điều trị bằng phẫu thuật, và là nguyên nhân chính gây đột tử ở trẻ sơ sinh.

Các nghiên cứu trước đây xem xét mối liên hệ giữa rượu và bệnh tim bẩm sinh, chủ yếu tập trung vào các bà mẹ tương lai và cho ra kết quả không khẳng định được. Nghiên cứu này là phân tích tổng hợp đầu tiên xem xét đến vai trò của việc người cha uống rượu.

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu tốt nhất có thể, được công bố trong khoảng từ năm 1991-2019, trong đó có tới 55 nghiên cứu liên quan đến 41.747 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và 297.587 trẻ không mắc bệnh. Kết quả phân tích chỉ ra mối quan hệ phi tuyến tính giữa việc uống rượu của cha mẹ và bệnh tim bẩm sinh của trẻ nhỏ.

“Chúng tôi quan sát thấy nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao dần khi mức độ uống rượu của cha mẹ tăng lên. Mối liên hệ này không có ý nghĩa thống kê ở mức tiêu thụ rượu thấp hơn” TS. Qin nói

Đối với những khiếm khuyết cụ thể, nghiên cứu cho thấy so với trường hợp kiêng rượu, việc người mẹ uống rượu sẽ làm tăng thêm hơn 20% nguy cơ mắc bệnh Fallot (sự kết hợp của bốn khuyết tật trong cấu trúc của tim).

Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu ý nghiên cứu của họ chỉ mang tính quan sát, không chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc cha mẹ uống rượu và các dị tật bẩm sinh ở con, cũng như không chứng minh rằng việc người cha uống rượu sẽ gây hại cho tim thai nhiều hơn so với người mẹ uống. Dữ liệu không thể được sử dụng để xác định mức tiêu thụ rượu nào có thể coi là an toàn.

TS. Qin cho biết: “Chúng ta không chắc chắn về các cơ chế liên hệ giữa việc uống rượu của bố mẹ và các bệnh tim bẩm sinh của con cái, và cần nghiên cứu sâu thêm. Mặc dù phân tích của chúng tôi có những hạn chế, ví dụ như không có loại rượu, nhưng nó vẫn chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ có kế hoạch lập gia đình nên từ bỏ rượu.”

Rượu cũng được biết đến là một tác nhân gây quái thai và có liên hệ với hội chứng Rối loạn thai nhi do uống rượu (FASD). Cứ khoảng bốn đứa trẻ bị FASD sẽ có 1 bé mắc bệnh tim bẩm sinh, cho thấy rượu cũng có khả năng liên quan đến những rối loạn này.

Nguồn: