Bỏ bữa sáng và rối loạn căng thẳng là các yếu tố đã được nghiên cứu chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ đột quỵ và rủi ro tim mạch

Mối quan hệ này được tìm thấy trong một nghiên cứu trên 6.550 người trưởng thành trong độ tuổi 65-75. Đặc biệt, mối quan hệ giữa bỏ bữa sáng và nguy cơ về đột quỵ là rất rõ ràng.

Gần 60% những người tham gia ăn sáng mỗi ngày, khoảng 25% ăn sáng một số ngày và 16% hiếm khi hoặc không bao giờ ăn sáng. Tất cả 6.550 người tham gia đều không bị bệnh tim khi bắt đầu nghiên cứu. Trong trung bình 17 năm theo dõi, đã có 2.318 trường hợp tử vong, trong đó có 619 người mắc các bệnh tim mạch.

Những người không bao giờ ăn sáng có nhiều khả năng bị béo phì và có mức cholesterol cao, đây cũng là các yếu tố tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nghiên cứu, đăng trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, cũng đã tính đến ảnh hưởng của các yếu tố này và các yếu tố sức khỏe, hành vi và kinh tế xã hội khác.

So với những người ăn sáng mỗi ngày, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch cao hơn 87% và tăng 19% nguy cơ tử vong nói chung. Những người bỏ bữa sáng cũng có nguy cơ phát triển bệnh tim tăng 59% và nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp ba lần.

"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol cao", Tiến sĩ Wei Bao, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Đại học Iowa cho biết. "Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng ăn sáng có thể là một cách đơn giản để tăng cường sức khỏe tim mạch."

Căng thẳng có liên quan đến bệnh tim, đặc biệt với những người dưới 50 tuổi

Một người mắc chứng rối loạn căng thẳng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 29% so với anh chị em không bị rối loạn căng thẳng.

Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu, báo cáo trên tạp chí BMJ, đã sử dụng dữ liệu của 136.637 người được chẩn đoán mắc các rối loạn liên quan đến căng thẳng, bao gồm rối loạn căng thẳng sau chấn thương, phản ứng căng thẳng cấp tính và những rối loạn khác. Nghiên cứu so sánh 136.637 trường hợp này với 171.314 anh chị em của họ không mắc rối loạn và với 1.366.370 người trong dân số nói chung. Các nhà nghiên cứu theo dõi sức khỏe của những người này trong vòng 27 năm.

Sau khi kiểm soát tiền sử sức khỏe thể chất và tinh thần, tuổi tác, giới tính, thu nhập và các yếu tố khác, họ phát hiện ra rằng một người mắc chứng rối loạn căng thẳng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 29% so với anh chị em không bị rối loạn căng thẳng và cao hơn 37% so với dân số nói chung. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn trong năm đầu tiên sau chẩn đoán rối loạn căng thẳng - cao hơn 64% so với anh chị em và cao hơn 71% so với dân số nói chung.

Mối liên quan giữa căng thẳng và bệnh tim mạch đặc biệt mạnh đối với những người dưới 50 tuổi.

"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ bao gồm những người mắc chứng rối loạn căng thẳng đã được chẩn đoán", tác giả chính Huan Song, nhà nghiên cứu tại Đại học Iceland, cho biết. "Tuy nhiên những người bị trầm cảm và lo lắng cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Thực tế, bất cứ ai bị căng thẳng đều có nguy cơ cao hơn, nhưng ở đây chúng tôi tập trung vào những người bị căng thẳng cấp tính và có phản ứng tâm thần nghiêm trọng."

Nguồn: