Nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao những người đang trong tâm trạng buồn chán lại thích tìm đến những bản nhạc cũng buồn đến "chảy nước mắt", một nghiên cứu nhỏ đã được tiến hành và thu được những kết quả bất ngờ.
Theo kết quả của nghiên cứu trên, những người đang buồn thích tìm đến những bản nhạc chứa những giai điệu cũng sầu thảm không kém là bởi, khi nghe thể loại nhạc đó sẽ giúp họ cải thiện tâm trạng theo chiều hướng tích cực hơn.
Phần đầu của nghiên cứu, mới được xuất bản gần đây trên tạp chí Emotion, có cách thức tiến hành tương tự như một nghiên cứu khác được thực hiện từ năm 2015 – điều thú vị là nghiên cứu đi trước này cũng cho thấy những người buồn thường thích nghe nhạc buồn hơn. Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học South Florida đã phỏng vấn 76 nữ sinh viên (một nửa trong số đó được chẩn đoán đang trải qua tâm trạng buồn chán) và đề nghị họ nghe nhiều đoạn nhạc cổ điển khác nhau.
Các bản nhạc được xếp vào nhóm "vui" bao gồm trích đoạn "Infernal Gallop" của Jacques Offenbach, còn trong số các bản nhạc được xếp vào nhóm "buồn" có tác phẩm "Adagio for Strings" của Samuel Barber, bản nhạc được đại đa số người nghe đánh giá là rất buồn. Các nhà khoa học đã rút ra kết luận tương tự như nghiên cứu của các đồng nghiệp năm 2015, rằng những người đang có tâm trạng buồn cho biết họ thích được nghe một bản nhạc buồn hơn là một bản nhạc vui.
Dĩ nhiên, nghiên cứu này vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một thực nghiệm được tiến hành trên quy mô rất nhỏ, và chỉ xét các đối tượng là nữ sinh viên đại học, do đó kết quả của nghiên cứu này chỉ có tính chất tham khảo và ý nghĩa của nó cũng không quá đáng kể. Chúng ta không biết được chính xác vì sao người có tâm trạng buồn chán lại thích nghe những bản nhạc buồn, cũng như các yếu tố xung quanh có thể tác động đến kết quả nghiên cứu (chẳng hạn như, có sự khác biệt nào trong kết quả nghiên cứu nếu sử dụng những bản nhạc vui và buồn có lời hay không).
Tuy nhiên, đây dù sao cũng là một phát hiện hết sức thú vị, đã khẳng định tính đúng đắn của một số nghiên cứu đi trước có đề tài tương tự. Nghiên cứu này cũng có thể sẽ cung cấp những dữ liệu hữu ích cho một số ngành khoa học ứng dụng khác, chẳng hạn như khoa học trị liệu bằng âm nhạc. Với phương pháp can thiệp này, các nhà trị liệu âm nhạc được đào tạo chuyên nghiệp sẽ lồng ghép âm nhạc vào các cuộc trò chuyện, tương tác với bệnh nhân, thông qua các hình thức như cùng nhau hát, nghe nhạc hay chơi nhạc cụ.
Trên thực tế, phương pháp này đã được ứng dụng khá phổ biến, từ việc giúp bệnh nhân giảm đau cho tới động viên tinh thần của các bệnh nhân mắc ung thư. Một nghiên cứu tiến hành năm 2017 đã cung cấp bằng chứng cho thấy phương pháp trị liệu bằng âm nhạc tỏ ra có hiệu quả (ít nhất là trong ngắn hạn) đối với các bệnh nhân đang trong tâm trạng buồn chán. Mặc dù không có loại nhạc nào được coi là "phổ biến nhất" để dùng trong trị liệu, nhưng các chương trình trị liệu thường bổ sung một số loại nhạc cụ như đàn guitar và trống để gia tăng hiệu quả. Có lẽ trong tương lai, các nhà trị liệu nên bổ sung vào playlist của mình những bài hát sầu thảm để giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân.
Theo Vnreview