Không nước nào trên thế giới mà con người có tuổi thọ cao như người Nhật: Nhưng bí quyết để sống thọ của người Nhật là gì?

.
Ảnh:welt.de.

Một trong những địa danh được thế giới hết sức chú ý, lại là một nơi hết sức bình dị: nơi đó chỉ có khoảng trên 3000 dân, có khu trung tâm của thôn, có một trạm bưu điện, những ngôi nhà giản dị với vườn rau nho nhỏ với dàn mướp đắng vỏ sần sùi. Tại đây có một cửa hàng thực phẩm, vài ba quán ăn nhỏ và không có bất kỳ một điểm hấp dẫn du khách nào. Cửa các ngôi nhà đều hướng ra biển, lưng tựa vào núi, đâu đâu cũng một màu xanh ngút ngàn.

Chúng ta đang nói về làng Ogimi trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Một làng thuộc diện có nhiều bậc cao niên có một không hai trên thế giới. Theo số liệu của chính quyền thôn vào cuối tháng 3/2019 thì tại đây trong tổng số dân là 3084 người thì có 437 cụ trên 80 tuổi, 17 cụ thậm chí 100 trở lên, chiếm 0,55% dân cư của làng.

Trong hơn bốn thập niên qua các nhà y học và khoa học đã nghiên cứu về đặc điểm tuổi thọ cao của cư dân tại Okinawa, và thấy nổi cộm lên bốn yếu tố chính: tính cộng đồng, sự vận động, giảm căng thẳng và thói quen ăn uống kết hợp với sự điều độ. Trong đó, họ nhấn mạnh đến chế độ ăn uống và những giải pháp giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Chế độ ăn uống

Ở Nhật Bản chế độ ăn uống kéo dài tuổi thọ có thuật ngữ riêng: Ăn kiêng kiểu Okinawa. Cụ thể là: ít thịt, chất béo và muối ăn, nhiều quả, rau xanh, tảo và rong biển. Đậu phụ và cá là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng nhất. Trong thực đơn dùng ngày thường có khoai lang, đậu đỗ, giá và các loại hạt.

Gừng, nghệ và ớt cũng thường được sử dụng - mướp đắng, tên địa phương là Goya, là đặc trưng cho ẩm thực của Okinawa, loại quả này đặc biệt giàu vitamin. Người dân ở đây không ưa các loại thức ăn chế biến sẵn hay đồ hộp. Ngay cả người già cũng vẫn tự nấu lấy chừng nào còn có thể. Người dân ở Okinawa thích sống đoàn tụ, đầm ấm bên nhau, tam, tứ đại đồng đường là điều được hoan nghênh.

Ở Okinawa người ta tuân thủ quy tắc - “hara hachi bu”, đại để chỉ ăn lưng bụng, khi dạ dày đã đầy 80% thì dừng lại. Người ta tự nguyện tiết chế, tức ngừng ăn trước khi cảm thấy no bụng.

Từ nhiều chục năm nay bà Emiko Kinjo, cuối tuổi sáu mươi, là chủ nhân tiệm ăn nhỏ “Emi no Mise” ở làng này. Bà nấu nướng theo các thực đơn truyền lại từ xa xưa trên cơ sở triết lý- “Kusui-mun”, theo đó thức ăn cũng được coi là thuốc chữa bệnh. Tiệm ăn của bà từ trước đến nay luôn chỉ sử dụng các chất gia giảm của địa phương. Cửa hàng của bà có một món đặc biệt tên là “Bữa cơm trưa trường thọ”: xuất ăn để trong một tráp sơn mài rất điệu nghệ, hứa hẹn một cuộc sống lâu dài, món ăn gồm mướp đắng với trứng, ngọn khoai lang với nước sốt mino hay cá trích non với đầu phụ nhồi rong biển.

Bà đầu bếp này đã viết mấy cuốn sách dạy nấu ăn với chủ đề trường thọ, bà vẫn còn muốn tiếp tục làm việc vài ba chục năm nữa. Giờ đây nhiều địa phương khác ở Okinawa cũng có loại nhà hàng tương tự với các món ăn sống lâu muôn tuổi hay món ăn thải độc.

Bên cạnh chế độ ăn uống, người Nhật có tuổi thọ cao vì một nguyên nhân chủ yếu là lối sống tích cực, bất chấp tuổi tác. Tại Ogimi có nhiều cụ xứng đáng là tấm gương sáng: thí dụ bà cụ thân sinh của chủ nhân một cửa hàng xén tuy đã 103 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn tới làm việc ở cửa hàng. Sau đó cụ tập thể dục với các cụ ngót nghét trăm tuổi khác, xong xuôi cụ ra vườn chăm sóc cây cối.

Đâu đâu ở Ogimi người ta cũng bắt gặp các cụ với mái tóc bạc trắng, bàn tay gân guốc làm việc lúc thì ở ngoài vườn, hoặc đạp xe dọc bờ biển để vớt cá, bắt nghêu sò hoặc thu hái rong tảo để làm thức ăn. Sau bữa ăn các cụ ngồi đan lát, thêu thùa ngay trước cửa nhà, làm việc không ngơi tay.

Giảm căng thẳng

Người Nhật có khả năng thông qua hoạt động tập thể để giảm căng thẳng, điều này có thể coi là một gương sáng để xã hội noi theo và đây cũng là điều kiện để tăng thuổi thọ, yếu tố này không thể xem thường. Ở nước Nhật có hai nơi để thực hiện tốt điều này: đó là nhà tắm công cộng và những cánh rừng.

Nhà tắm công cộng ở Nhật có tên là Onsen, cả nước hiện có trên 3000 Onsen, sử dụng nguồn nước nóng phát sinh từ núi lửa. Dù từ lâu các hộ gia đình ở Nhật đều có buồng tắm dưới dạng bồn tắm hay vòi hoa sen, tuy nhiên người Nhật vẫn duy trì nền văn hóa lâu đời về việc tắm tập thể: Onsen là nơi để thư giãn và để tịnh tâm.

Trước khi xuống tắm mọi người phân theo giới tính tắm rửa thật kỹ, sau đó vào buồng tắm chung dưới dạng khỏa thân. Người ta lặng lẽ ngâm mình trong nước khoáng ấm áp cả tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng họ mới thầm thì với người bên cạnh, phần lớn ngồi im thin thít để lắng nghe tiếng nước vỗ và thả hồn lảng vảng đâu đó.

Một điều khá đặc biệt là, xã hội Nhật bản vốn rất tôn trọng đẳng cấp và tôn ti trật tự, nhưng nhà tắm công cộng lại là một trong những địa điểm ít ỏi, nơi không có sự phân biệt về địa vị xã của con người có mặt tại đây. Ở nhà tắm ai cũng như ai và không cần phải khom lưng cúi chào theo đúng lễ nghĩa trước bất kỳ ai.

Dù là giám đốc tập đoàn hay người lái xe bus trong Onsen mọi người bình đẳng như nhau do đó tại đây người ta có cảm giác hết sức thư thái, dễ chịu.

Một nền tảng nữa đem lại cảm giác hạnh phúc dễ chịu đối với người Nhật là tắm: “Shinrin Yoku”, có nghĩa là “tắm rừng”.

Qing Li, giáo sư Nippon Medical School ở Tokio cho rằng không khí tươi mát đậm đà của cây rừng như một liều thuốc bổ nó giúp tăng số lượng các tế bào tự nhiên hữu ích trong cơ thể góp phần tăng cường khả năng miễn dịch của con người và làm giảm áp huyết. Màu xanh ngút ngàn, mát mắt, sự tập trung thiền định đến những điều nhỏ nhặt như cái lá đung đưa trong gió, một con bọ cánh cứng bò trên cành cây, một làn gió mát rượi, mọi cái đều có tác dụng rõ rệt đến sự thư thái, thoải mái của con người.

Ngay từ năm 1982 Bộ Y tế Nhật Bản đã chính thức công nhận tác dụng phòng bệnh của rừng và tác động tích cực của nó đến sức khỏe. Từ năm 2007 xuất hiện các hội hàn lâm về y học rừng, từ năm 2012 các trường đại học ở Nhật đã đưa lĩnh vực này thành một chuyên khoa riêng.

Người Nhật nói chung luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện, khi đòi hỏi những quyền lợi dành cho mình họ không ích kỷ và thường suy nghĩ nhiều hơn đến lợi ích và động cơ của những người khác. Ai đã từng đến Nhật Bản hẳn đã chứng kiến sự hài hòa này và họ giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống luôn trên cơ sở suy nghĩ: ta nên cư sử như thế nào để không làm ảnh hưởng đến người khác?

Có lẽ vì thế nên viêc đi lại ở Nhật Bản không có sự chen lấn, xô đẩy, phóng nhanh vượt ẩu. Ở đây hầu như không có tiếng còi ô tô. Tại các giao lộ, khi có đèn đỏ, ở những điểm tàu, xe dừng trả, đón khách, tuy rất đông đúc nhưng người Nhật tuyệt nhiên không chen chúc, xô đẩy, những hành động đó bị coi là cấm kỵ. Tại đây người Nhật lặng lẽ xếp hàng chờ đến lượt của mình. Phong cách sống điềm đạm, khoan thai ở Nhật làm người ta thấy dễ chịu, thanh thản hơn so với ở nhiều nước khác. Nếu chúng ta học được một chút lối sống này của họ thì có lẽ tuổi thọ của chúng ta cũng sẽ được tăng lên và cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản, dễ chịu hơn.

Nguồn: welt.de