Ung thư phổi, u não, ung thư máu - ngay bản thân chẩn đoán ung thư cũng chính xác như nói từ salat nhưng hàm ý một bó đủ loại rau, củ.

Tế bào đột biến bắt đầu phân chia vô tội vạ. Điều này có thể dẫn đến khối u ung thư.
Tế bào đột biến bắt đầu phân chia vô tội vạ. Điều này có thể dẫn đến khối u ung thư.

Ngày nay y học đã tiến xa hơn nhiều. Có thể nói số loại bệnh ung thư ngày một tăng và sự hiểu biết về nó cũng ngày càng sâu sắc hơn.

Nếu trong những năm 80 ai đó hỏi các nhà y học hình hài ung thư như thế nào, thì chắc họ sẽ vẽ một tấm ảnh về khối u ác tính lở loét với những xúc tu tua tủa và khối u đó phải bị cắt bỏ và diệt trừ. Khi đó ung thư, được coi như một bản án tử hình. Ngày nay các nhà nghiên cứu và các thầy thuốc không nhìn vấn đề này đen tối như trước. Bởi đã đạt được một số kết quả trong nghiên cứu.

Thoạt nhìn thì dường như các nhà khoa học chưa khống chế được căn bệnh này: Các nhà y học càng nghiên cứu sâu hơn bao nhiêu, thì ung thư lại buộc xa ra bấy nhiêu. Không thấy mẫu, hình ảnh không rõ nét hơn mà có phần nhạt nhòa đi. Khái niệm “ung thư” ngày càng mơ hồ hơn, diễn biến phân tử và tế bào trong các mô bệnh ngày càng đa dạng hơn. Và ngay cả trong khâu điều trị cũng có vấn đề: Cái mà có hiệu quả trong điều trị ở bệnh nhân ung thư này, áp dụng ở bệnh nhân khác lại vô hiệu. Cuối cùng nghiên cứu về khối u dẫn đến kết luận, mà chủ tịch Hội ung thư Đức Olaf Ortmann, cho đến hôm nay vẫn thích nhắc lại: “Làm gì có ung thư”.

Ung thư không phải là một bệnh, mà là một tập hợp gồm nhiều bệnh rất khác nhau. Người bệnh bị ung thư phổi, u não hay ung thư máu. Nhưng ngay cả những chẩn đoán này cũng chỉ đại để chính xác như nói từ salát nhưng thực chất là một bó đủ các loại rau.

Ngày nay các chuyên gia biết có bốn loại ung thư vú khác nhau và năm loại ung thư phổi. Với bệnh ung thư máu thậm chí người ta biết có tới 40 đến 50 bệnh khác nhau. Mỗi dạng đòi hỏi phải có phương án trị liệu khác nhau. Một số phải phẫu thuật, ở các dạng khác chỉ cần hóa trị liệu. Với những loại ngoan cố thì có khi phải dùng toàn bộ kho trị liệu ung thư: phẫu thuật, tia xạ, hóa trị liệu và gần đây còn có thêm trị liệu miễn dịch, huy động sức đề kháng của cơ thể chống tế bào ung thư. Hiện nay các bác sỹ không phân loại khối u theo các cơ quan nơi chúng xuất hiện. Họ có thể xác định chúng có nguyên nhân di truyền hay không, liệu chúng có đáp ứng với một số hóa trị liệu nhất định, phát triển nhanh hay chậm và có thể dùng các loại hormon để kiềm chế chúng hay không. Người ta dùng một loạt từ viết tắt như “ung thư vú thể ba âm tính (triple-negativer Brustkrebs)” hay “ung thư phổi đột biến (EGFR-mutierter Lungenkrebs)” để phân loại các dạng ung thư khác nhau..

Số lượng các dạng ung thư mới được xác định ngày một tăng và đằng sau nó là một nhận thức to lớn: “Ngày nay chúng ta coi ung thư là bệnh di truyền”, nhà ung thư học Jürgen Wolf, thuộc Bệnh viện trường Đại học Köln nói. Các bác sỹ luôn lấy tế bào ung thư ở người bệnh làm sinh thiết. “Trước đây chúng tôi xem các tế bào này dưới kính hiển vi và phân loại bệnh dựa trên hình ảnh của chúng”, Nhà bệnh lý học Wilko Weichert thuộc Đại học Kỹ thuật Muenchen đã nói. Ngày nay các nhà bệnh lý học và cả các nhà sinh vật học phân tử còn xem cả bộ gene của chúng. Họ truy tìm các đặc điểm nhất định, chúng sẽ cho người ta biết phương pháp trị liệu nào dùng lúc này để diệt khối u là tốt nhất. Để đạt được điều đó họ xúc tiến các test khác nhau về gene. Việc này tuy tốn kém vài nghìn euro nhưng qua đó giúp ta trị bệnh ung thư chính xác hơn.

Thí dụ gene-EGFR đột biến chủ yếu ở những người bị ung thư phổi, chưa từng hút thuốc lá bao giờ. Cách đây ít năm những bệnh nhân này thường bị chết vì không có biện pháp trị liệu thích hợp. Ngày nay có thuốc đặc hiệu dành cho người bị ung thư phổi đột biến gene EGFR. Những người bệnh này không phải làm hóa trị liệu nhưng hiện nay họ có thể sống thêm nhiều năm.

Weichert nói “Mỗi bệnh ung thư là một cá thể”. Vật di truyền tế bào ung thư của một bệnh nhân luôn là duy nhất. Do đó liệu pháp ngày càng cá nhân hóa. “Để có thể đánh giá sự hiệu nghiệm của thuốc chúng tôi tập hợp bệnh nhân theo từng nhóm, thí dụ mọi bệnh nhân bị ung thư phổi có khối u đột biến - EGFR tập hợp thành một nhóm”. Đây là một sự dung hòa giữa bản chất cá nhân của bệnh và nguyên tắc chứng trong y học. Theo đó các liệu pháp phải được thử nghiệm, nghiên cứu để chúng minh về sự hiệu nghiệm và độ an toàn trước khi đưa vào áp dụng rộng rãi đối với người bệnh.

Thông thường sau vài tháng nhóm nghiên cứu của Wilko Weichert nhận được thông tin về những đặc điểm di truyền mới có ý nghĩa đối với việc điều trị cho bệnh nhân ung thư. “Trước đây các nhà bệnh lý học chúng tôi hầu như không ra khỏi phòng thí nghiệm. Bây giờ điều trị ung thư diễn ra ở chỗ chúng tôi. Đã có lúc tôi nhận được một thùng rượu vang hay thư cảm ơn của bệnh nhân vì chúng tôi đã điều trị theo kiểu may đo cho họ và do đó tuổi thọ của họ được tăng lên”.

Do y học ung thư có những thay đổi toàn diện và rất nhanh nên diện hoạt động của bệnh lý học cũng phải thay đổi: Trước đây chúng tôi thường làm việc dưới tầng hầm bệnh viện mát lạnh với nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân tử vong của người bệnh. Ngày nay các nhà bệnh lý học làm việc trực tiếp bệnh cạnh bác sỹ phẫu thuật ở trong phòng mổ. Trong lúc phẫu thuật ung thư chuyên gia bệnh học nhận được trực tiếp mô để kiểm tra dưới kính hiển vi, xác định đã lấy hết khối u chưa. Nếu không thấy tế bào ung thư nữa thì bác sỹ phẫu thuật có thể chấm dứt ca mổ. Các nhà bệnh học cũng chịu trách nhiệm về phân tích phân tử di truyền mô khối u. Các kết quả này có ý nghĩa quyết định đến liệu pháp điều trị tiếp theo đối với bệnh nhân. “Giờ đây chúng tôi đã từ tầng hầm leo thẳng lên giường của người bệnh”, Weichert nói.

Hiện nay tại các phòng khám không còn có chuyện các bác sỹ riêng lẻ mà cả một “hội đồng khối u” (Tumorboards) gồm bác sỹ nhiều bộ môn khác nhau bàn bạc, thảo luận và ra quyết định về việc điều trị. Có tình trạng này một phần cũng vì mỗi khối u đòi hỏi một liệu pháp điều trị khác nhau. Không có nhà bệnh lý học xem xét tế bào ung thư từ bên trong thì ngày nay hầu như không thể làm gì được. Nhà bệnh học Weichert và đồng nghiệp của ông hiện có mặt trong gần 30 hội đồng khối u thuộc Bệnh viện trường Đại học München. “Thí dụ đôi khi dấu hiệu gene cho thấy, đây là bệnh ung thư ruột kết đã di căn lên phổi”, Weichert kể. Nếu không có thông tin về bộ gene các bác sỹ ắt điều trị theo hướng ung thư phổi và sẽ không thể thành công.

Y học ung thư ngày càng có xu hướng trị liệu đơn lẻ do đó cũng nhẹ nhàng hơn, nhất là đối với các loại ung thư mà hiện nay đã có thể điều trị thành công như ung thư vú. 80 đến 90 % nữ bệnh nhân sau khi điều trị có thể sống thêm trên 5 năm. Hội nghị quốc tế về ung thư vú diễn ra tại Berlin năm ngoái đề ra phương châm “ít hơn tức nhiều hơn”. Ngày càng có nhiều nữ bệnh nhân không phải làm hóa trị liệu. Nhờ nghiên cứu phân tử gene tế bào ung thư nhiều chị em thoát khỏi tình trạng vô cùng vất vả này.

Một số chuyên gia y học tiên tiến thậm chí còn đi xa tới mức, với một số bệnh ung thư vú nhất định, tiến triển chậm và không nguy hiểm thì không trị liệu gì hết. “Watch and wait”, chờ đợi và quan sát theo dõi, đó là cách tiếp cận mới. Tại Niederland điều này đã được áp dụng trong thực tế ở một số bệnh nhân ung thư vú đầu tiên.

Tất nhiên từ bỏ trị liệu chỉ có thể thực hiện trong một số trường hợp hãn hữu. Tuy nhiên các phương pháp trị liệu ung thư khác cũng được cải thiện: quá khứ đã cho thấy trẻ em từng điều trị ung thư bạch cầu thì sức khỏe phát triển không tốt. “Chỉ số IQ có thể bị suy giảm, sự phát triển theo chiều cao cũng bị ảnh hưởng”, theo chuyên gia huyết học Martin Bornhäuser thuộc Bệnh viện Đại học Dresden. Hệ thần kinh trung ương của trẻ bị tổn thương. Hóa trị cũng có thể làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Liệu pháp làm tăng nguy cơ khối u thứ phát.

Phương pháp đối phó mới đối với bệnh ung thư không chỉ nhằm tập trung vào những đặc điểm riêng của căn bệnh. Do người bệnh ngày càng có nhiều cơ hội sống sót lâu dài hơn nên các chuyên gia y học cũng nghiên cứu nhiều hơn về những tác động phụ lâu dài của các liệu pháp khác nhau.

“Càng ngày ung thư càng trở thành một căn bệnh mãn tính, bùng phát theo từng giai đoạn”, Bornhäuser nói. Một người bị ung thư ruột kết. Điều này có thể cắt bỏ và tiêu diệt càng nhiều càng tốt các tế bào ung thư. Tuy nhiên sau nhiều năm khối u lại tái phát. Các bác sỹ lại thực hiện các biện pháp để chống lại căn bệnh này và khuất phục bệnh một lần nữa. Ít năm sau xuất hiện di căn. Tế bào ung thư di chuyển sang các vùng khác của cơ thể.

Stefan Fröhling, phụ trách Trung tâm Quốc gia về các bệnh khối u ở Heidelberg nói “cái giết người là khối u di căn”. Cho đến nay các chuyên gia y học không có phương pháp ghi hình ảnh về sự dịch chuyển của tế bào nguy hiểm này ở trong cơ thể.

Trên khắp nước Đức đang hình thành các Trung tâm ung thư nội tạng nhằm cải thiện hơn nữa việc điều trị. Hiện đã có trên 1300. Qua đó đáp ứng được tính cá biệt của từng khối u. Trong các bệnh viện các chuyên gia luôn cùng nhau làm việc. “Với chúng tôi cùng nhau phối hợp làm việc là một điều mới mẻ và không phải lúc nào cũng dễ dàng” Fröhling nói. Nhưng với bệnh nhân thì nguyên tắc nhiều con mắt này là có lợi. Ngày nay hầu như không có bác sỹ nội trú nào không bàn bạc, trao đổi với đồng nghiệp trước khi ra y lệnh về hóa trị liệu.

Wilko Weichert, nhà bệnh lý học ở München đã mạnh dạn hướng tới tương lai xa: ông cho rằng, các trung tâm ung thư nội tạng chỉ là trạm dừng chân. Vì khối u nằm ở vị trí nào trong cơ thể điều đó không quan trọng bằng hồ sơ di truyền của nó. Bệnh ung thư da đột biến - EGFR và ung thư phổi đột biến - EGFR có thể điều trị giống nhau. Đành rằng vị trí của khối u có một vai trò nhất định, nhưng thường thì dấu ấn di truyền ảnh hưởng nhiều hơn. “Với các trường hợp không thể điều trị được thì hiện nay ở München chúng tôi có một “Hội đồng khối u liên ngành” bệnh nhân ung thư vú, ung thư tuyến tụy và các loại ung thư khác đều được chăm sóc tại đây: Đây là nơi chúng tôi tổng hợp các kiến thức về di truyền ung thư từ nhiều loại bệnh khác nhau”.

Bệnh ung thư ngày càng phát tán và kết nối với nhau, kho kiến thức về ung thư ngày càng phong phú do đó các thầy thuốc gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt những kiến thức rất phong phú đó. “Hiện tại trong nghiên cứu chúng tôi đứng trước khó khăn thiếu một tập thể bệnh nhân phù hợp để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng, vì người bệnh lúc này quá khác nhau”. Chỉ có Big Data và may ra cả trí tuệ nhân tạo mới có thể giúp giải quyết vấn đề khó xử về dữ liệu này trong tương lai. Chúng có thể kết nối một nữ bệnh nhân ở Berlin với một người bệnh ở Sydney lại với nhau, cả hai cùng bị ung thư da màu đen tương tự nhau về di truyền. Nhờ nối mạng toàn cầu người ta có thể dự đoán phương pháp trị liệu nào là tốt nhất cho cả hai người.

Những điều liên quan đến ung thư

Làm thế nào để giảm nguy cơ

Không hút thuốc lá: Tiêu thụ thuốc lá gây ung thư, nhất là ung thư phổi: Trên 30.000 ca bệnh ung thư mới ở nam giới và 15.000 ở nữ giới theo một dự đoán mới đây trong năm 2018 là do hút thuốc lá. Tuy nhiên không chỉ có nguy cơ cao về ung thư phổi mà cả ở trên mười loại ung thư khác như ruột kết, tuyến tụy, bàng quang và thận vv... Mỗi năm có thêm 85.000 ca ung thư mới mà nguyên nhân là do hút thuốc lá.

Điều tốt là, ai bỏ hút thuốc ngay thì có thể giảm nguy cơ bị ung thư. Một ví dụ về ung thư phổi cho thấy hiệu quả của việc không hút thuốc lá: Một người tuổi 75, cả đời hút thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư phổi là 16%. Nếu người đó cai thuốc khi 60 tuổi thì nguy cơ bị ung thư phổi là 10%. Ai cả đời không hút thuốc nguy cơ bị ung thư phổi chỉ là 0,4%.

Các chất gây ung thư ở trong thuốc lá tác động trực tiếp đến vật di truyền. Chúng có thể gây tổn thương đến mức tế bào liên tục phân chia - từ đó hình thành khối u.

Chế độ dinh dưỡng: Ai cũng biết, nhưng hầu như không mấy ai thực hiện: một chế độ ăn uống lành mạnh là nhiều trái cây và rau xanh, nhiều chất xơ, chất béo thực vật và ít thịt, xúc xích, mọi yếu tố đó đều giảm nguy cơ ung thư. Trong một nghiên cứu của Đức lần đầu tiên các nhà khoa học đã tính toán, do dinh dưỡng thiếu lành mạnh năm 2018 đã có bao nhiêu ca ung thư : do thiếu chất xơ nên xảy ra khoảng 14.500 ca, ăn quá nhiều xúc xích 9500 ca. Có thể giảm 1700 trường hợp ung thư nếu người ta ăn ít thịt đỏ hơn và giảm 1200 ca nếu giảm muối.

Rượu: Tất cả các loại bệnh ung thư liên quan đến tiêu hóa đều sẽ bị chất có cồn làm cho nghiêm trọng hơn: ung thư miệng, vòm họng, dạ dày, gan, và ung thư ruột. Những người thường xuyên uống rượu cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Nước Đức mỗi năm có thể giảm khoảng 9500 ca bệnh ung thư nếu mọi người có ý thức hơn và đặc biệt là uống ít rượu hơn. Do đó các nhà nghiên cứu kiến nghị cấm quảng cáo rượu.

Thừa cân: Năm 2018 nước Đức có thể giảm khoảng 60.000 ca bệnh ung thư nếu như những người có liên quan giảm được thể trọng của bản thân họ. Có thể chứng minh béo phì là nguy cơ gây 15 loại bệnh ung thư khác nhau, hầu hết tấn công các cơ quan nội tạng. Thậm chí ở người béo phì nguy cơ bị ung thư bạch cầu cũng cao hơn so với những người cân nặng bình thường.

Bốn phương pháp chống ung thư

Phẫu thuật: Đối với nhiều loại ung thư người ta tìm cách triệt tiêu các khối u bằng phẫu thuật. Trong một số trường hợp, thí dụ ung thư da, ở giai đoạn đầu thường chỉ là tiểu phẫu thuật. Tuy nhiên cũng có khi là một ca đại phẫu thuật, khi khối u đã tấn công phần lớn các cơ quan nội tạng. Khi đó phải cắt bỏ, kể cả các mô xung quanh, nhiều khi cả các hạch bạch huyết. Qua đó có thể tránh di căn qua hệ thống bạch huyết sang các cơ quan khác trong cơ thể.

Hóa trị liệu: Từ sáu chục năm nay các bác sỹ chống ung thư bằng cách triệt hạ không cho phân chia tế bào, tức dùng thuốc ngăn không cho tế bào chia tách. Qua đó ngăn chặn ung thư phát triển. Có điều không chỉ tế bào ung thư mà cả các loại tế bào khác cũng không chia tách từ đó hình thành các tác động phụ - điển hình là rụng tóc.

Xạ trị: Bên cạnh phẫu thuật, xạ trị là biện pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn có lâu nhất. Cho đến lúc này khoảng 50% bệnh nhân ung thư đều trải qua xạ trị. Ngày nay người ta có thể chiếu tia rất chính xác vào chỗ cần chiếu. Những tia này giết chết tế bào ung thư. Trong y học hạt nhân độ chính xác còn cao hơn nhiều. Các hạt phóng xạ nhỏ được đưa vào khối u. Chúng tích tụ tại đây và giết chết tế bào ung thư trong khối u.

Liệu pháp miễn dịch: Đây là liệu phát trị ung thư non trẻ nhất, liệu pháp này huy động sự tự vệ của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch được “hướng dẫn” chỉ giết chết các tế bào ung thư. Cho đến nay liệu pháp này mới được thử nghiệm ở một vài bệnh ung thư, thí dụ ung thư phổi, ung thư da đen và một số dạng của ung thư máu.

Bốn hình thức điều trị ung thư này có thể phối hợp với nhau. Ở đây vấn đề không chỉ phụ thuộc vào loại bệnh ung thư nào mà còn phụ thuộc vào phản ứng của từng người bệnh đối với phương pháp trị liệu này.