Mãi gần đây khi môi trường và điều kiện sống thay đổi, con người mới biết đến thảm hoạ ung thư. Liệu căn bệnh hiểm ác này vốn tiềm ẩn trong cơ thể người từ thuở sơ khai, chỉ đợi cơ hội bộc phát, hay nó là căn bệnh do chính chúng ta tạo ra?
Tìm vết tích ung thư trên xác chết cổ
Nghiên cứu mới của Trung tâm Y sinh Ai Cập học KNH thuộc Đại học Manchester (Anh) đã chỉ ra rằng ung thư hoàn toàn là căn bệnh do con người trực tiếp tạo ra và rằng trước đại cách mạng công nghiệp, dấu tích bệnh ung thư rất hiếm gặp.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tìm kiếm dấu vết bệnh ung thư trên hàng trăm xác ướp Ai Cập, khảo cứu các tài liệu Ai Cập, Hy Lạp có niên đại hàng nghìn năm cũng như các nghiên cứu y học về xác người và động vật từ những thời kỳ đầu, thậm chí là từ thời khủng long, để xem liệu căn bệnh ung thư có xuất hiện hay được nhắc đến không.
Kết quả là, dấu hiệu bệnh ung thư ở các hóa thạch động vật, loài linh trưởng không phải người và loài người thời kỳ đầu vô cùng hiếm. Các nhà khoa học có tìm thấy dấu hiệu ung thư di căn ở một hóa thạch khủng long Edmontosaurus. Một vài khối u ác tính cũng được ghi nhận ở các loài linh trưởng không phải người, nhưng không phải là những căn bệnh ung thư phổ biến ở người trưởng thành hiện đại.
GS Michael Zimmerman - thuộc Trung tâm KNH, hiện công tác tại Đại học Villanova (Mỹ) - cũng tìm thấy dấu vết ung thư đại trực tràng trên một xác ướp được cho là sống ở Dakhleh Oasis khoảng năm 200-400. “Ở xã hội cổ đại, khi chưa có sự can thiệp của phẫu thuật, bằng chứng về bệnh ung thư có thể được lưu trữ ở mọi mẫu nghiệm” - GS Zimmerman cho biết.
Nhiều người cho rằng tuổi thọ ngắn ngủi trong thời cổ xưa là nguyên nhân khiến bệnh ung thư chưa kịp phát triển. Điều này có vẻ không đúng lắm nếu ta biết rằng người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại sống đủ lâu để các bệnh xơ vữa động mạch, paget xương và loãng xương phát tác. Và thực tế là - ở người hiện đại, u xương chủ yếu gặp ở người trẻ tuổi.
Một số ý kiến cho rằng sự thiếu vắng khối u trong các xác cổ là do chúng không được bảo quản cẩn thận. Nhưng các nghiên cứu thực nghiệm của ông Zimmerman cho thấy quá trình ướp xác đã giữ được các đặc điểm của một khối u ác tính; và khối u thường được bảo quản tốt hơn so với các mô thông thường.
GS Rosalie David - thuộc Đại học Manchester (Anh) - nói: “Tuy có một số chứng cứ về bệnh ung thư trên các thi thể người Ai Cập cổ, chúng ta vẫn không biết được nguyên nhân gây ra bệnh này”.
Bùng nổ ung thư sau cách mạng công nghiệp
Khi rà soát các tài liệu từ thế kỷ 17 đến nay, các nhà khoa học tìm thấy rất nhiều bản mô tả các ca phẫu thuật ngực và phẫu thuật ưng thư khác. Báo cáo khoa học về các khối u lạ cũng xuất hiện trong các tài liệu y khoa trong khoảng 200 năm trở lại đây (bản mô tả về ung thư tinh hoàn xuất hiện năm 1775, ung thư mũi ở người sử dụng thuốc lá hít lần đầu xuất hiện năm 1761 và bệnh ung thư hạch Hodgkin vào năm 1832).
Theo nghiên cứu này, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đã tăng nhanh chóng từ sau cách mạng công nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới tỷ lệ trẻ em mắc ung thư. Điều này cho thấy sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh không hề có liên quan tới tuổi thọ của người dân.
“Trong xã hội công nghiệp hóa, bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, sau bệnh tim mạch. Không có gì trong môi trường tự nhiên gây ra được bệnh ung thư. Do vậy, căn bệnh này hoàn toàn là “con đẻ” của loài người, gây ra do tình trạng ô nhiễm và sự thay đổi về thói quen ăn uống, sinh hoạt” - Giáo sư Rosalie David chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Giáo sư Zimmerman cho rằng: “Sự thiếu vắng của căn bệnh ung thư ác tính ở các xác ướp là minh chứng chỉ ra sự hiếm hoi của căn bệnh này thời cổ. Nó cũng là bằng chứng chứng minh rằng các yếu tố gây bệnh ung thư có liên quan tới xã hội - nơi đã bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa hiện đại”.
Những ý kiến trái chiều
Trên trang Scienceblog.cancerresearchuk.org, tác giả Kat Arney thuộc Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh đã nêu ra vài ý kiến phản bác quan điểm ung thư do con người “đẻ ra” của hai nhà khoa học Trường Đại học Manchester.
Theo bà, thực tế xung quanh chúng ta luôn hiện diện rất nhiều tác nhân có thể gây ra bệnh ung thư, chẳng hạn tia cực tím, bức xạ tự nhiên từ hạt nhân phóng xạ như radon trong đá, các virus gây bệnh như virus u nhú gây ung thư cổ tử cung, virus viêm gan gây bệnh ung thư gan… Bồ hóng và khói từ các đám cháy cũng chứa chất gây ung thư, nấm mốc trên hạt lạc mốc khi chúng ta ăn vào cũng có khả năng gây ung thư.
Nhà khoa học Joachim Schüz - Giám đốc bộ phận môi trường và phóng xạ thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế tại Lyon (Pháp) - phản bác quan điểm tuổi tác không có ý nghĩa khi nói về ung thư: “Tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư. Ở đàn ông hiện đại, 90% số bệnh ung thư xuất hiện sau độ tuổi 50. Vì thế, nếu bạn tìm kiếm dấu vết ung thư ở 1.000 người đàn ông hiện đại chết trước tuổi 50, bạn sẽ không thu được kết quả gì”.