PGS là hệ thống tự nguyện giúp đưa nông dân vào một tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ và kết nối họ với nhau để tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam.

Khi sản phẩm được công nhận đáp ứng các tiêu chuẩn mới được dán nhãn PGS để người tiêu dùng nhận diện. Việc tổ chức sản xuất thực phẩm hữu cơ rất khó nên sản phẩm còn ít, do đó chúng tôi luôn cân nhắc việc lựa chọn đối tác kết nối với thị trường để tránh tình trạng lạm dụng uy tín của PGS.

Đưa nông dân vào một chuẩn nhận thức đã rất khó, nên cửa hàng tiếp cận thị trường nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Vì thế, khi chọn đối tác kết nối thị trường, chúng tôi luôn đặt cho họ nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hữu cơ. Chúng tôi xây dựng quy chế phạt khi vi phạm.

Khi sản xuất, chúng tôi điều hòa lại hệ sinh thái để cây trồng, vật nuôi được sống theo bản năng của nó trong một môi trường sinh thái điều hòa. Môi trường hiện nay bị đảo lộn bởi hóa chất, vì thế PGS cấm đưa hóa chất vào sản xuất. Muốn vậy, phải cung cấp kiến thức cho nông dân, đứng bên cạnh trợ giúp họ ở giai đoạn đầu - giai đoạn rất khó khăn do sản lượng hầu như bị sâu bệnh phá hoại hết.