Hằng ngày, chúng ta thường sử dụng nhiều loại gia vị để làm cho món ăn hấp dẫn hơn. Trong đó, các loại gia vị là thực vật như sả, gừng, hành… có những công dụng chữa bệnh tuyệt vời mà ít ai biết tới.
1. Sả
Cả thân, rễ, lá sả đều có thể dùng làm thuốc. Sả có tác dụng lợi tiểu, trị cảm sốt, phong thấp, đầy bụng…
Bài thuốc:
- Cảm cúm: Lá sả 20g, gừng tươi 3 lát. Sắc với nước uống, ngày uống 2 lần.
- Trị mụn nhọt: Nấu nước lá sả tắm hằng ngày.
- Ăn không tiêu, đầy bụng: Củ sả giã nát, ép lấy nước cốt, uống với mạch nha.
2. Hành lá
Trong đông y, hành lá được gọi là Thông Bạch. Từ lâu, hành lá được dùng để chữa cảm mạo, nhức đầu, bí tiểu, sát trùng, làm dễ tiêu hóa…
Bài thuốc:
- Cảm mạo: Hành lá 15g, tía tô 20g. Nấu cháo nóng, cho thêm một quả trứng gà, một ít tiêu và muối. Cho hành lá và tía tô vào quậy đều rồi ăn. Đắp mền kín để vã mồ hôi.
- Phong thấp: Hành 50g, gừng tươi 60g. Giã nát, trộn với bã rượu, sao nóng, bọc vải rồi chườm vào chỗ đau. Chườm nóng liên tục.
3. Gừng
Gừng có vị cay, thơm, tính ấm. Gừng có thể dùng làm gia vị và dùng làm thuốc trị cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, bụng chướng, lạnh bụng…
Bài thuốc:
- Cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi: Gừng tươi 10g, hành trắng 12g, tía tô 8g, củ sả 4g. Sắc nước uống, ngày uống 2 lần, uống lúc còn nóng, đắp mền cho ra mồ hôi.
- Lạnh bụng, ỉa chảy: Gừng tươi sấy khô, tán nhỏ dùng với nước cơm, uống nhiều lần trong ngày.
4. Diếp cá
Diếp cá mọc hoang ở nhiều nơi và rất dễ trồng. Diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, sát trùng, chống viêm loét, kinh nguyệt không đều…
Bài thuốc:
- Kinh nguyệt không đều: Cây diếp cá tươi 40g, ngải cứu tươi 30g. Giã nhỏ, lọc bằng nước sôi để nguội. Uống 1 ngày 2 lần, uống liền 5 ngày trước kì kinh 10 ngày.
- Vú sưng, tác sữa: Diếp cá 20g, táo đỏ 10 quả. Nấu với nửa lít nước, sắc đến khi còn một nửa, uống 1 ngày 3 lần.