Béo phì thường liên quan đến 4 bệnh có thể gây mù lòa là thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, võng mạc tiểu đường, đục thể thủy tinh và glocom.
Việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh trên có thể liên quan đến những rối loạn chuyển hóa do béo phì đem lại hoặc do chính những chỉ số bất thường gây ra như chỉ số khối cơ thể BMI, số đo vòng bụng, chỉ số eo-hông.
Dưới đây là 4 bệnh có thể gây mù lòa thường đi kèm với béo phì, thừa cân:
Thoái hóa hoàng điểm (AMD)
Béo phì vốn không được các bác sĩ mắt chú ý cho đến năm 2003, bác sĩ Selddon đã chỉ ra mối liên quan giữa AMD và chỉ số BMI, vòng eo, vòng hông… Một nghiên cứu đăng tải trên Archives of Ophthalmology, khảo sát 261 người trung niên và già thấy rõ tương quan giữa lượng mỡ cao và phát sinh AMD. Cụ thể, bệnh nhân có BMI 25-30 hoặc cao hơn thì mắc AMD cao gấp đôi so với người có BMI nhỏ hơn 25. Nghiên cứu trên vòng bụng, vòng eo/hông cũng cho kết quả tương tự.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy gia tăng hoạt động thể lực đi kèm với giảm tỷ lệ bệnh AMD.
Đục thể thủy tinh
Nghiên cứu đăng tải trên Ophthalmic Epidemiology chỉ ra mối liên quan giữa bệnh tim mạch và bệnh mắt. Bác sĩ Christine Younan, Đại học Sydney, Australia và các đồng nghiệp của Save Sight Institute tại Sydney đã tìm thấy mối liên quan giữa bệnh lý tim mạch và đục thể thủy tinh.
Trong nghiên cứu này, 2.300 bệnh nhân trên 48 tuổi được theo dõi trong 5 năm. Bệnh nhân được thăm hỏi tiền sử, đo cân nặng - chiều cao, huyết áp, khám mắt tổng thể. 5 năm sau các bệnh nhân được thăm khám, chụp ảnh đánh giá đục thể thủy tinh vỏ, nhân, cực sau và dưới bao. Kết quả cho thấy bệnh nhân béo phì hay bị đục vỏ và dưới bao sau. Bệnh nhân hơn 65 tuổi, điều trị cao huyết áp cũng bị đục thể thủy tinh nhiều hơn nhóm chứng.
Bệnh lý võng mạc
Béo phì liên quan với bệnh lý tim mạch và tiểu đường tuýp 2. Một nghiên cứu năm 2002 của các nhà nghiên cứu Hà Lan cho thấy, bệnh lý võng mạc hay xảy ra trên những người tăng BMI. Bệnh lý võng mạc là biến chứng vi mạch xảy ra do nhiều yếu tố: đường huyết cao, huyết áp cao, mỡ máu và BMI có vấn đề.
Tăng nhãn áp và bệnh glocom
Hai nghiên cứu tại châu Á đều chứng tỏ có mối tương quan thuận giữa BMI và nhãn áp.Nghiên cứu của Nhật Bản trên hơn 25.000 người ở cả hai giới cho thấy rõ mối liên quan giữa cân nặng và nhãn áp. Các bệnh nhân được theo dõi 10 năm nhãn áp kèm theo các thông số khác tuổi, giới, huyết áp và cân nặng. Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí nhãn khoa Hàn Quốc cũng cho thấy mối liên quan tương tự giữa nhãn áp và béo phì trong cộng đồng châu Á.