Táo bón thường gặp ở người ít vận động, ăn uống không điều độ. Chứng bệnh kéo dài không chỉ gây hại sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, kéo theo nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Người bình thường có thể đại tiện 1-3 lần trong 1-2 ngày. Nếu quá 3 ngày, hoặc dưới 3 lần mỗi tuần, là dấu hiệu táo bón. Người bệnh có những cơn đau bụng quặn thắt, đại tiện khó khăn, phân rắn.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học như ít chất xơ, ít nước, không đúng giờ, lạm dụng chất kích thích (cà phê, trà...) là một trong những nguyên nhân gây táo bón. Bệnh nhân sử dụng các thuốc điều trị bệnh nhuận tràng, trầm cảm, dạ dày, xương khớp, tim mạch, tiểu đường… cũng dễ mắc phải tình trạng này. Táo bón còn gặp ở những người ít vận động, người cao tuổi suy giảm chức năng, người có thói quen đại tiện không tốt hoặc do hội chứng kích ứng ruột (IBS, rối loạn ruột già).
Để trị táo bón, bạn có thể tham khảo những cách sau:
Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ
Chất xơ có nhiều trong rau, quả, củ, ngủ cốc thô. Chúng giúp tạo thành chất bã, đồng thời kết dính các chất độc hại để đào thải ra ngoài, hút nước để tăng lượng phân, kích thích hoạt động của tế bào dịch nhầy ở thành ruột và tăng nhu động ruột.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm sữa chua, chế phẩm từ rong biển để cải thiện chế độ ăn, phòng chống bệnh táo bón.
Tập thể dục, vận động hợp lý
Thường xuyên tập thể dục thể thao, vận động hợp lý sẽ giúp gia tăng nhu động ruột, tăng trương lực cơ, cải thiện hoạt động ở ruột già.
Bạn cũng có thể xoa bóp vùng xung quanh rốn để kích thích tiêu hoá ở dạ dày, gia tăng nhu động ruột ở ruột già, giảm táo bón tức thời.
Tạo thói quen đại tiện đúng giờ
Đại tiện là hoạt động sinh lý có tính phản xạ thần kinh. Vì vậy, bạn nên tập thói quen đại tiện vào khung giờ nhất định trong ngày. Ngoài ra, mỗi khi có cảm giác cần đi đại tiện, không nên nín nhịn làm mất dần phản xạ của cơ thể.