Bà Nguyễn Kim Thanh đặt vấn đề này tại hội thảo quốc tế “Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam và Tạp chí Tia sáng phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, gần đây Mỹ đã có luật hiện đại hóa các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; theo đó từng khâu của chuỗi sản xuất sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải được giám sát theo dõi đạt yêu cầu. Đây là hàng rào kỹ thuật với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ở thị trường Mỹ. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thông báo với các doanh nghiệp Việt Nam về sự thay đổi này và hy vọng cơ quan quản lý kịp thời ban hành các tiêu chuẩn về ATTP phù hợp với các quy định hiện hành trên thế giới.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - nêu một thực trạng: “Khi xuất khẩu hàng hóa, người ta không bao giờ nói hàng của tôi tốt nhất hay số 1 mà chỉ đưa ra các khái niệm đơn giản như mật ong của chúng tôi được VAC (Hiệp hội Các nhà bản lẻ Anh quốc) công nhận hay sản phẩm này được GlobalGap chứng nhận. Điều này có nghĩa là sản phẩm chỉ cần ghi tên kèm theo các tiêu chuẩn được chứng nhận là đủ. Nếu hàng hóa của chúng ta xuất hiện trên thế giới mà không ghi rõ tiêu chuẩn đã được công nhận thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ về chất lượng”.
Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ những câu chuyện về quản lý tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là tại các hội chợ quốc tế, khu vực hàng hóa Trung Quốc bao giờ cũng vắng người xem do tiếng xấu về sản phẩm có nguồn gốc từ quốc gia này. Hàng hóa Việt Nam không rơi vào tình trạng đó nhưng luôn bị đặt dấu hỏi về sự mù mờ của những tiêu chuẩn chứng nhận. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm đầy đủ về chất lượng và tiêu chuẩn khi xuất khẩu tới những thị trường khó tính.
Bà Hạnh kể thêm rằng, khi bà làm việc với các chuyên gia của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), họ nói rằng chính phủ Mỹ mong muốn thay đổi quan điểm về cách kiểm định về ATTP tới nước này.
Hiện nay có khoảng 140.000 công ty xuất khẩu hàng vào Mỹ. Cơ quan quản lý không có cách nào kiểm tra hàng hóa của tất cả các nhà cung cấp nên buộc phải chuyển trách nhiệm kiểm soát sang một tổ chức khác. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, tin cậy được và cùng với FDA kiểm định từng sản phẩm ngày tại mỗi quốc gia trước khi lên đường sang Mỹ.
“Nếu như chúng ta bám sát vào chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, đồng thời nhắc nhở, chặt chẽ thì sẽ giảm được thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, FDA thường đưa lên website của mình cảnh báo về những công ty có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Việc lọt vào danh sách này sẽ không nhỏ tới uy tín của các doanh nghiệp” - bà Hạnh nói thêm.
Cũng theo bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia về chuỗi cung ứng và an toàn thực phẩm, thị trường châu Âu đòi hỏi tiêu chuẩn về ATTP phải đảm bảo theo chuỗi từ hệ thống trang trại cho tới máy móc chế biến. Khi xây dựng các tiêu chuẩn, nhà quản lý đều dựa trên khung pháp lý của châu Âu. Tuy nhiên thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch từ quản lý công sang quản lý tư; tức là những tiêu chuẩn xuất phát từ phía người mua hàng và do các hiệp hội do họ thành lập đứng ra tự quản lý.
Các tiêu chuẩn này được xây dựng cho từng mắt xích khác nhau, đòi hỏi người bán hàng phải tích cực hơn trong việc đảm bảo an toàn và sự bền vững của chuỗi cung ứng. Ở châu Âu, ngoài câu chuyện về ATTP, người mua hàng có trách nhiệm phải quan tâm tới an sinh xã hội và tôn trọng môi trường.